Bài đăng trong Tạp chí Thông Thiên Học ở Úc, số tháng 3 năm 2003
Bài này được in lại từ Tạp chí Nhà Thông Thiên Học, tháng 8 năm 2002
Sơ đồ Tham thiền ở trang này được Mô phỏng theo Giáo huấn dành cho Nhóm Nội môn của bà Helena.P.Blavasky.
Nhà xuất bản Henk Spierenburg, Point Loma, San Diego, 1985
Tác giả: Mary Anderson
Dịch giả: Chơn Như 2012
Nguyên tác: Diagram of Meditation
Vào năm 1887-88, bà Blavatsky có đọc cho E. T. Sturdy một Sơ đồ Tham Thiền. Sơ đồ này thật là thú vị để ta nghiên cứu và cũng thật hữu ích để ta cố gắng tuân theo nó trong khi tham thiền cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.
Sơ đồ Tham Thiền
Trước hết hãy quan niệm NHẤT NGUYÊN bằng cách Bành trướng trong Không gian và đạt mức vô hạn trong Thời gian.
(Hoặc là có hoặc là không có sự huyền đồng với Bản ngã).
Thế rồi hãy tham thiền một cách hợp lý và trước sau như một về vấn đề này liên quan tới các trạng thái tâm thức. Sau đó ta phải uốn nắn trạng thái tâm thức bình thường qua việc: –
Chú thích: Được là hoàn tất do quan niệm “Tôi là tất cả Không gian và Thời gian”. Ngoài mức đó . . . thì chẳng thể nói được gì hết.
Chú ý:
Những sự mất là do thường xuyên tưởng tượng – mà không si mê * – về việc “Tôi không có”; nhận ra đó là nguồn gốc của sự ràng buộc, vô minh và tranh đấu. “Sự Mất” được hoàn tất bằng cách tham thiền: “Tôi không có thuộc tính”.
* ) Không có nguy cơ si mê nếu ta cố tình quên đi phàm ngã.
Chú thích chung : Mọi đam mê và đức hạnh đều hòa lẫn vào nhau. Vì vậy sơ đồ chỉ trình bày những điều gợi ý bóng gió tổng quát.
Đây là Sơ đồ Tham Thiền
Phỏng theo Các giáo huấn dành cho nhóm Nội Môn của HPB,
Nhà xuất bản Henk Spierenburg, Point Loma; San Diego, 1985.
Quan niệm về NHẤT NGUYÊN.
Sơ đồ bắt đầu bằng cụm từ: Trước hết hãy quan niệm về NHẤT NGUYÊN. Chúng ta làm như vậy ra sao? Ta có thể nghĩ Nhất Nguyên của vạn vật là một điều gì đó thuộc về ‘thế giới khác’ khi ta bác bỏ cái thế giới thiên hình vạn trạng mà ta đã biết. Nhưng bà Blavatsky tiếp tục nêu ra hai thứ mà ta biết và ta có thể dễ dàng quan niệm được: không gian và thời gian. Mọi sự vật mà ta biết đều định xứ trong không gian, còn mọi diễn biến mà ta biết đều xảy ra trong thời gian. Không gian là bối cảnh của các vật thể, còn thời gian là bối cảnh của các diễn biến. Như vậy, vì đã quen thuộc với những vật thể và diễn biến cho nên ta có thể dễ dàng quan niệm được không gian và thời gian. Thật vậy, ta không thể quan niệm có những vật thể tồn tại và diễn biến xảy ra trong hư không, nghĩa là ở ngoài bối cảnh không gian và thời gian.
Quan niệm Không gian và Thời gian
Nhưng liệu ta có thể quan niệm không gian và thời gian tồn tại mà chẳng có các vật thể và diễn biến hay chăng? Nếu ta có thể làm được như thế thì ta hãy tiếp tục phép tham thiền này!
Ta phải quan niệm ‘Bành trướng trong Không gian và Vô hạn trong Thời gian’, nghĩa là ta phải siêu việt được không gian và thời gian mà mình quen thuộc. Sự bành trướng và siêu việt này dẫn tới cái ta có thể nghĩ là bản thể của hiện tượng không gian và thời gian hạn hẹp theo như ta biết, nghĩa là ý niệm gốc hoặc hình mẫu ẩn đằng sau sự xuất hiện biểu kiến của không gian và thời gian tức là không gian và thời gian hão huyền – thật vậy, đó là Nguồn gốc Thiêng liêng của chúng.
Bản thể của thời gian đôi khi được gọi là Vĩnh hằng. Về vấn đề này H. P. B. còn gọi nó là ‘Kỳ gian’. Bản thể của không gian là ‘Phụ mẫu Vĩnh hằng’ tức Đại Mẫu. Trong Giáo Lý Bí Truyền có một vài đoạn hay ho liên quan tới Không gian: “Cái vốn đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại là cái gì vậy, cho dù có Vũ trụ hay không, cho dù có chư thần linh hay không?” . . . Và lời giải đáp là – ‘Không gian’. [1] . Ở đây ta thấy có đề cập tới không gian mà chẳng có chư thần linh, vì vậy không có bất kỳ loại vật thể nào. ‘Cái hằng hiện hữu là nhất như, cái đã từng hiện hữu là nhất như, cái hằng hữu và hằng biến dịch cũng nhất như, đó chính là ‘Không gian’ [2].
Ta đừng quên mục tiêu của phép thực hành này là quan niệm Nhất Nguyên. Nhưng quan niệm sự bành trướng và vô hạn hàm ý có một quá trình mở rộng, lan rộng ra và ta có thể nghĩ Nhất Nguyên là thu gọn lại. Điều này còn tùy thuộc vào việc ta quan niệm Nhất Nguyên ra sao – cái tính đơn nhất còn được gọi là ‘Đấng Tuyệt Đối’. Nhất Nguyên dường như có thể nghĩa là thu gọn về một điểm đơn độc, mà theo định nghĩa điểm này không có chiều đo. Giống như một ‘Lỗ Đen’, các sự vật dường như biến mất trong điểm ấy. Đó là số không, hư không, hư vô. Đây là con đường ‘neti, neti’. Bằng cách chối bỏ mọi điều mà ta có thể biết được, ta tiến gần tới cái mà ta không thể biết được. Nhưng nếu Nhất Nguyên hàm ý là một sự bành trướng để bao trùm tất cả thì điều này có nghĩa là ta đang coi nó là một loại hình cầu vô hạn, cũng lại không có chiều đo ở chỗ nó vượt ngoài tầm mọi chiều đo. Nó là Viên dung (plenum) tức viên mãn. Đây chính là khảo hướng được xiển dương ở chỗ này.
Khi được coi là một viên dung thì không gian vô hạn bao trùm mọi ‘không gian’ riêng rẽ ba chiều đo và ‘nhiều chiều đo’ hơn nữa, ‘không gian ngoại giới’ và ‘không gian nội giới’ bị chứa đựng trong Không gian Nhất như. Khi được coi là thời gian vô hạn vì Vĩnh hằng bao trùm mọi thời gian trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thời gian tâm lý, thời gian trong những giấc mơ của ta v.v. . . đều chứa trong Thời gian Vô hạn Nhất như.
Nhất Nguyên dĩ nhiên hàm ý vừa là hư không vừa là viên dung. Đấng Tuyệt Đối là cà hai. Đấng Tuyệt Đối vừa là chu vị không ở đâu cả, vừa là trung tâm điểm ở khắp mọi nơi.
Không gian và Thời gian luôn luôn liên kết với nhau. Chẳng hạn như thời gian đã được coi là chiều đo thứ tư. Cũng thế, rốt cuộc thì Không gian vô hạn và Vĩnh hằng là một thứ. Không gian tức Đại Mẫu là gốc rễ của vật chất (mulaprakriti). Thời gian là nền tảng của sự vận động, sự vận động nguyên thủy là ‘Đại Thần Khí’ tức gốc rễ của Tâm thức. Như vậy, khi truy nguyên trong tư tưởng tới tận cội nguồn của mọi vật trong không gian nghĩa là cội nguồn của chất liệu hoặc vật chất, và truy nguyên trong tư tưởng tới tận nền tảng của mọi diễn biến trong thời gian, nghĩa là cội nguồn của sự vận động tâm thức tức tinh thần, thì ta tiếp cận với Nhất Nguyên mà thời gian và không gian là những khía cạnh của nó. Theo ‘Mệnh đề Căn bản Sơ khởi’ thì khi sự biểu lộ phải diễn ra, Đấng Tuyệt Đối biểu thị hai khía cạnh vật chất nguyên thủy và tinh thần tức tâm thức nguyên thủy [3].
Có hoặc Không có sự Huyền đồng của Bản ngã
Bây giờ có thêm một yếu tố nữa cho phép Tham thiền: Ta phải quan niệm không gian bành trướng và sự vô hạn vượt ngoài tầm thời gian hoặc là có hoặc là không có sự huyền đồng với bản ngã. Như vậy, tùy theo tính khí của mình ta có thể tưởng tượng sự bành trướng vô hạn (Không gian vô hạn) và sự vô hạn về thời gian (Vĩnh hằng và Kỳ gian) một cách khách quan, không tham chiếu vào bản thân ta hoặc là một cách chủ quan khi cảm thấy ta là không gian vô hạn và thời gian vô hạn. Khảo hướng chủ quan có thể khiến ta nhớ tới phương pháp được xiển dương trong tác phẩm ‘Yoga Ánh sáng’ của Geoffrey Hodson:
Tôi không phải là thể xác,
Tôi là Chơn ngã.
Tôi không phải là xúc động,
Tôi là Chơn ngã.
Tôi không phải là cái trí,
Tôi là Chơn ngã.
Như vậy, tôi là không gian vô hạn, tôi là thời gian vô hạn. Khảo hướng này thật nguy hiểm nếu ta hữu thức hoặc vô thức đồng nhất hóa phàm ngã với Chơn ngã. Nhưng ta sẽ không làm như thế nếu ta có thể tuân theo lời giáo huấn thêm nữa của H. P. B. : ‘Không có nguy cơ bị si mê nếu ta cố tình quên đi phàm ngã’. Như vậy, phép Tham thiền bắt đầu bằng những khái niệm gây linh hứng. Và ta sẽ thấy rằng nó cũng chấm dứt bằng những khái niệm gợi linh hứng.
Ta hãy tổng kết những điều được trình bày cho đến nay. Trong phép Tham thiền này ta bắt đầu bằng những gì mà ta biết: những vật thể hằng ngày và những diễn biến hằng ngày. Thế rồi ta đi ra đằng sau hoặc vượt ngoài tầm những vật thể hoặc diễn biến hằng ngày ấy tới tận cội nguồn của chúng lần lượt trong không gian và thời gian rồi tới tận cái mà những cội nguồn này chẳng qua chỉ là các khía cạnh. Thế là, việc bắt đầu Tham thiền thật gợi linh hứng cho dù ta huyền đồng với hoặc quên mình đi trong Không gian và Thời gian Vô hạn.
Con Đường Tâm linh
Mọi con đường tâm linh đều bắt đầu bằng sự linh hứng, chẳng hạn như Con Đường Thần Bí Ki Tô giáo bắt đầu bằng sự cải giáo: một bước ngoặt. Mọi thứ đều đã thay đổi. Không còn thứ gì trở lại như xưa nữa. Sự linh hứng ấy là bắt đầu và chấm dứt của con đường tâm linh. Với vai trò là bắt đầu, nó gợi linh hứng cho ta tiếp bước. Ngay cả khi sự linh hứng ban đầu ấy dường như đã phai nhạt, thì cái ký ức ‘tôi đã biết’ có thể vẫn còn lôi chúng ta đi hướng về mục tiêu bất khả tư nghị, được phản ánh vào cuối buổi tham thiền qua những lời lẽ sau đây trong trường hợp này: ‘Tôi là trọn cả Không gian và Thời gian’. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Nhưng giữa lúc bắt đầu và kết thúc của bất kỳ Con đường Tâm linh nào cũng có nhiều nỗ lực gian khổ và nhiều thất bại biểu kiến làm nản lòng. Ta hãy xem xét ngắn gọn công trình gian khổ xuất hiện sau khi có sự linh hứng ban đầu và trước khi có sự Thực chứng chung cuộc.
Công trình gian khổ và sự tinh tấn cá nhân này được chia thành ‘Mất’ và ‘Được’, nghĩa là điều ta phải xả bỏ hoặc không thực hiện trong tư tưởng và ta phải thực hiện trong tư tưởng theo thứ tự đó, tương tự như yama và niyama trong Raja Yoga. Tại sao lại là ‘trong tư tưởng’? Bởi vì tư tưởng có trước hành động và hành động là kết quả của tư tưởng (mặc dù ta có thể tự lừa gạt mình trong tư tưởng!). Và tư tưởng bản thân nó cũng là một hành động rồi.
‘Sự Mất’
‘Mất’ cốt ở việc thường xuyên không nghĩ tới thực tại của một vài sự việc. Những sự việc được đề cập (vốn đều tạm bợ, hão huyền hoặc chỉ tương đối có thực) đều hàm ý có sự chiếm hữu. Như vậy, không chịu nghĩ tới chúng là có thực, có nghĩa là không dính mắc tới chúng.
Thế là việc ‘Mất’ hoặc xả bỏ ngụ ý không chịu nghĩ tới thực tại của:
· Tan và Hợp, cùng sự liên kết với các nơi chốn, thời gian và hình tướng;
· Phân biệt giữa bạn và thù;
· Chiếm hữu;
· Phàm ngã;
· Cảm giác.
Như vậy ta phải ngộ ra chúng là không có thực. Điều này hàm ý là không dính mắc ở nhiều mức độ khác nhau trong sự trải nghiệm và hiện hữu của ta. Nếu ta thật sự nhận thức một điều gì đó là không có thực thì ta sẽ không dính mắc vào nó.
Những người mà ta dính mắc có thể bao gồm thân bằng quyến thuộc, bạn bè, những vị mà ta tôn kính v.v. . . Ta cũng dính mắc với một vài nơi chốn (nơi ta sinh ra đời, nơi ta đã từng sống hạnh phúc) và dính mắc với một vài lúc, có lẽ là ‘thời quá khứ oanh liệt’ hoặc một ‘Thời đại Hoàng kim’ tưởng tượng nào đó (trong tương lai). Những sự dính mắc khác là dính mắc vào một vài hình tướng bên ngoài (các vật thể hoặc thói quen tẻ nhạt trong sinh hoạt hằng ngày), những vật ta sở hữu, bản ngã ‘nhỏ nhen’ của ta và những cảm giác của ta.
Liệu những loại dính mắc này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng đều gây ra sự bành trướng phàm ngã. Sở hữu nhiều đồ vật khiến ta cảm thấy mình vĩ đại hơn, chúng làm cho phàm ngã ta phồng ra. Cũng vậy, có một gia đình đông đúc hoặc nhiều bạn bè khiến cho cảm xúc về tự ngã của ta bành trướng. Cảm giác của ta mở rộng phạm vi nhận thức, đây có thể là một trải nghiệm hay ho nhưng đồng thời nó cũng có thể làm gia tăng cảm xúc của ta thấy mình là quan trọng. Thế là ta dính mắc theo đủ mọi cách như vậy, hoặc là do khoái lạc khiến ta mưu cầu chúng hoặc do đau khổ khiến ta sợ hãi chúng và tìm cách né tránh chúng. Ta thậm chí còn vinh danh nỗi đau khổ của mình: ‘Chia tay là nỗi phiền muộn êm ái xiết bao’, ‘Những bài ca êm dịu nhất của ta là những bài nói lên tư tưởng buồn bã nhất’ [4].
Người ta có nêu rõ rằng do có những dính mắc này mới nảy sinh ra một vài cảm xúc. Do dính mắc vào con người, nơi chốn và hình tướng mới nảy sinh ra những ao ước phù phiếm, những kỳ vọng, những kỷ niệm buồn và những chuyện làm tan nát con tim tùy theo đó là hợp hay tan. Do ảo tưởng về sự phân biệt giữa bạn và thù mới nảy sinh ra sự giận dữ và thiên kiến. Lòng tham, lòng ích kỷ và tham vọng là do hão huyền về thực tại chiếm hữu. Điều hão huyền về phàm ngã làm nảy sinh ra một đằng là tính hiếu danh còn một đằng là sự hối hận. Do hão huyền cho rằng cảm giác là có thực mới nảy sinh ra tính tham ăn và dâm dục. Đây chỉ là những ví dụ: ‘Sơ đồ chỉ trình bày những điều gợi ý bóng gió tổng quát’.
Ta ứng xử ra sao với mất hay xả bỏ này? Trước hết là ta có thể ngộ ra được đủ thứ sự dính mắc nêu trên là cội nguồn của ràng buộc, vô minh và tranh đấu. Ràng buộc nghĩa là mất tự do kể cả tự do ý chí; vô minh là thiếu minh triết; tranh đấu là thiếu tình thương. Thật thú vị khi cuối quyển Dưới Chơn Thầy có đề cập tới ba thứ – Ý chí, Minh triết và Tình thương là những tính năng trên Con đường Thánh thiện [5]. Hai là, nếu ta thật sự ngộ ra được bản chất của những dính mắc này thì ta có thể nói theo Sơ đồ: ‘Tôi không có’ chúng. Thật vậy nếu ta ngộ ra được thực chất của chúng thì ắt chúng rơi rụng xuống như lá rơi rụng xuống vào mùa thu. Ánh Đạo Phương Đông nhắc ta nhớ tới những điều này:
Nếu con bị ràng buộc vào vòng luân hồi vô thường,
Và chẳng có cách nào thoát khỏi xiềng xích ấy thì,
Tâm hồn của Đấng vô lượng cảm thấy bị đọa đày,
Linh hồn của Vạn vật cảm thấy Đau khổ.
Còn nếu con không bị ràng buộc!
Thì Linh hồn của Vạn vật cảm thấy tươi cười. [6]
Nhưng nếu ta không thật sự ngộ ra được bản chất hão huyền của những dính mắc này và cứ bảo rằng ‘Tôi không có chúng’ thì chúng ta sẽ tự lừa gạt mình bằng cách giả định rằng chúng ta trên cương vị phàm ngã không có chúng. Chúng ta lừa gạt mình vì chúng chính là phàm ngã.
Bước thứ ba là ngộ ra được ta không có bất kỳ thuộc tính nào. Sự thực chứng ấy rốt cuộc thuộc về Atma.
‘Sự Được’
Bây giờ ta hãy chuyển sang đề tài ‘Được’. Có ba loại được: bên trong chính chúng ta, bên ngoài chúng ta và nối liền chúng ta với cái ở bên ngoài.
a/ Bên trong chính chúng ta: ‘Ngộ ra được sự hiện diện đời đời trong không gian và thời gian trong óc tưởng tượng’. Do thực chứng được vậy mới có ‘một nền tảng ký ức không bị ngưng bặt trong lúc mơ mộng hoặc tỉnh táo’. Có lẽ đó là ký ức sâu thẳm trong tâm hồn ta về việc ta là gì: ta là điểm linh quang của Ngọn lửa Nhất như – thật vậy, là chính Ngọn Lửa ấy, do đó ta mới có tính vô úy.
b/ Bên ngoài chúng ta: Ta chỉ nhận thức được mọi thực thể đã hiện thân ra đều bị hạn chế. Vì biết rằng ‘chẳng điều gì là toàn bích’ hoặc hoàn chỉnh, thế giới mà ta sống trong đó chỉ ‘tương đối có thực’, cho nên ta chỉ có thể phê phán một cách vô ngã mà không chủ ý khen ngợi hoặc chê trách.
c/ Mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài được tổng kết như sau: ‘tiếp tục toan tính có một thái độ tâm trí đối với vạn hữu vốn không phải là yêu, ghét mà cũng chẳng phải là thờ ơ’.
Yêu và ghét đều là dính mắc, lần lượt có bản chất tích cực và tiêu cực. Thờ ơ là dính mắc vào chuyện không vướng mắc, là tránh bị vướng mắc. Nếu chúng ta không có tình yêu (cá nhân), không thù oán cá nhân và không thờ ơ thì ta không bị dính mắc về phàm ngã, do đó không còn ham muốn nữa. Kết quả là ta có thể nhìn thấy mọi chuyện một cách rành rành và khách quan, phản ứng một cách thỏa đáng trong mỗi trường hợp cá biệt nhờ vào sự phân biện trong khi vẫn ngộ ra được rằng cùng một thiên tính nội tại ngự bên trong vạn vật. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn bình tĩnh, không lăn xăn bối rối và hài hòa. Như vậy đức hạnh mới phát triển một cách hồn nhiên. ‘Lòng tốt, sự đồng cảm, công bằng v.v. . . bắt nguồn từ việc cá thể dùng trực giác huyền đồng với những người khác mặc dù phàm ngã không hề biết’.
Đề tài mở đầu – ‘Quan niệm Nhất Nguyên về sự Bành trướng trong Không gian và vô hạn trong Thời gian’ được tiếp quản và hoàn tất qua những lời lẽ kết thúc buổi Tham thiền: ‘Quan niệm tôi là trọn cả Không gian và Thời gian hoàn tất việc có được sở đắc’. Ta nên nhớ rằng ta chỉ có thể nói được như vậy một cách trung thực khi đã thực thi hoàn chỉnh việc được và mất. Lúc bấy giờ không phải phàm ngã quan niệm mình là trọn cả Không gian và Thời gian mà chính Thiên nhiên Tâm linh là thật sự biết mình hiệp nhất với tất cả.
Bản văn được bổ sung bằng cụm từ ‘Ngoài mức đó . . . (thì không thể nói gì)’. Câu này kết thúc văn bản Sơ đồ Tham thiền nhưng có lẽ nó chỉ là bắt đầu Tham thiền. Điều vượt ngoài tầm đó vốn không thể nói lên được, thậm chí không thể suy nghĩ được – cái trí không thể quan niệm được.
‘Phần còn lại chỉ là im lặng’. Và trong sự im lặng đó mới có thể diễn ra sự Tham thiền chân chính.
Tham khảo trích dẫn:
[1] Trích lược Giáo Lý Bí Truyền, E. Preston và C. Humphreys, nhà xuất bản Thông Thiên Học, Luân đôn, 1968, trang 7.
[2] Như trên, trang 8
[3] Như trên, trang 11
[4] Shelley, P.B., ‘Gửi con chim Họa Mi’
[5] Dưới Chơn Thầy, nhà xuất bản Thông Thiên Học, Wheaton, 1974, trang 71
[6]Arnold, Edwin, Ánh Đạo phương Đông, nhà xuất bản Thông Thiên Học, Wheaton, 1969, trang 138.
Bà Mary Anderson là Thư ký Quốc tế của Hội Thông Thiên Học