Tóm tắt nội dung bài viết
Nguồn gốc của tục đốt vàng mã
Tục chôn người chết của người Trung Hoa về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván, lại cũng không khanh phần mộ gì cả. Đến đời vua Hoàng đế (267 tr. TL) cho rằng: con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế, đến đời Đường Ngu, tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế.
Nối nhà Ngu là nhà Hạ (2205 tr. TL), người Trung Hoa mới bắt đầu dùng đất sét nặn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông khánh, đàn sáo v.v… để chôn theo người chết.
Đến đời nhà Ân (1765 tr.TL), lại không dùng mâm bát đồ đất và nhạc khí bằng tre gỗ để chôn theo người chết nữa, họ dùng toàn đồ thật chôn theo.
Đến đời nhà Chu (1122 tr.TL), người Trung Hoa đã bắt đầu văn minh hơn; cố nhiên lễ nhạc đối với người chết cũng được ăn nhịp mà tiến bộ, người chết đối với người chết, đã được người sống phân ra giai cấp sang, hèn trong việc thực hiện lễ nghi chôn cất.
Không những thế, dã man nhất, độc ác nhất là người ta còn bịa đặt ra những “tuẫn táng”; nghĩa là khi các vua và các quan lớn chết đi, từ vợ con đến bộ hạ của các vua, các quan lớn, đồ yêu quý của người chết khi còn sống, sẽ phải đem chôn sống để làm đồ dùng khi đã chết.
Về sau người ta cũng biết đem người sống chôn theo với người chết là vô nhân đạo, mới chế ra người cỏ Sô Linh, sau vì người cỏ không được mỹ thuật, người ta lại dùng đồ gỗ “Mộc ngẫu” như trước
Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo v.v… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ.
Như thế tục đốt vàng mã là bắt nguồn từ Trung Quốc, đây là một HỦ TỤC mà dân tộc ta tiếp nhận do quá trình đô hộ quá dài .
Tác hại của việc đốt vàng mã
Về mặt tâm linh
Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Vậy tại sao các tín đồ phật tử hay những người dân bình thường vẫn thường xuyên đi lễ chùa, vẫn thường cầu xin từ Chư Phật, chư bồ Tát lại đốt vàng mã?
Trong cuốn “MÊ TÍN, CHÁNH TÍN” cùa hòa thượng Thích Thanh Từ có đoạn viết:
“Tục đốt giấy tiền vàng mã lại là việc vô lý trên vô lý. Không thể người có đôi chút nhận xét, lý luận mà chấp nhận việc ấy được. Chính trên thế gian này, đồng tiền của nước này mang sang nước khác còn khó được chấp nhận, huống là nhân gian in, xuống âm phủ xài, có lý lẽ gì tin được. Những chiếc lầu bằng giấy, quần áo bằng giấy, làm xong đốt rồi gởi xuống âm phủ cho thân nhân dùng, quả là việc làm phí của vô ích. Thử hỏi thân nhân họ là cái gì mà chờ đốt quần áo gởi xuống. Họ đều là đồ vô chủ cô hồn hết sao? Hay họ đã theo nghiệp lành dữ mà sanh nơi khác? Nếu là Phật tử còn không ai rõ Phật dạy: “Chúng sanh tùy nghiệp thiện ác, theo đó thác sanh nơi cõi lành cõi dữ”. Thân nhân chúng ta chết cũng theo nghiệp thọ sanh, chớ đâu ngồi chờ chúng ta gởi nhà cửa áo quần xuống xài. Như thế, việc làm ấy vừa trái đạo lý, vừa phí tốn tiền bạc vô ích. Người Phật tử không bao giờ chấp nhận việc làm mù quáng ấy”
Về Năng Lượng đốt vàng mã còn tạo ra năng lượng xấu xung quanh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt trẻ nhỏ.
Về cuộc sống hàng ngày
Đốt vàng mã gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của mọi người xung quanh. Thậm chí gây hậu họa khôn lường về cháy nổ (như vụ cháy nhà ở Kim Mã -2010).
Quy định hiện hành của Pháp luật về việc đốt vàng mã và hiện tượng mê tín
Hiện nay trên địa bàn thành phố hà Nội việc đốt vàng mã và hầu đồng bị xử phạt theo Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND. Cụ thể:
Điều 10. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa (theo hành vi quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa. (theo hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 15).
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi (theo hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15).
Nguồn: CLB Thiền Kim Văn Kim Lũ Tổng hợp.