Trong một dịp, Đức Thầy Moreward và tôi đã gặp Gladys và Gordon Mellor. Gladys là em gái tôi và Gordon là người đàn ông theo đuổi cô ấy. Tuy họ có cảm tình với nhau đã lâu, nhưng trông bề ngoại họ thật lạc điệu. Gordon không dấu được vẻ buồn rầu trong khi Gladys thì luôn tỏ ra lạnh lùng với anh.
Sự việc ấy không qua được đôi mắt tinh tường và trực giác nhạy bén của Thầy. Tôi cũng thẳng thắn cho Thầy biết ý kiến riêng của mình, rằng trục trặc nằm ở chỗ Gladys bởi em gái tôi quá kiêu hãnh. Nhưng Gladys chẳng thèm nghe tôi nói bởi “bụt chùa nhà không thiêng”, hơn nữa, cô ấy cho rằng đàn ông không hiểu được đàn bà nghĩ gì, thành ra tôi thấy chẳng đi tới đâu và bỏ cuộc.
Ngay từ ngày đầu chúng tôi đến nơi, Thầy Moreward nói chuyện liên quan đến tâm linh theo một cách đặc biệt, khiến cho chẳng mấy chốc em tôi tỏ ý kính phục. Thấy vậy tôi mới thưa ngay với Thầy là em tôi đang gặp khó khăn mong Thầy giúp đỡ. Dĩ nhiên khi nghe thế Ngài ưng thuận ngay, và tôi xếp đặt sao cho cả ba chúng tôi có giở trò chuyện riêng mà không bị quấy rầy.
Một buổi trưa ba chúng tôi đi dạo trong cánh đồng làng, tôi nói với Gladys:
– Anh bạn Gordon của em có vẻ không vui.
Gladys đỏ mặt và tìm cách tránh né một cách vụng về.
– Cô Broadbent này – Thầy nói một cách hiền từ – anh bạn cô và cô làm tôi rất chú ý. Có lý do làm tôi tin rằng hai người là bạn từ lâu, lâu lắm, từ mấy kiếp trước nếu tôi không lầm.
Em tôi hớn hở và chú ý đến lời Thầy ngay, nó đã nghe nhiều chuyện về huyền bí học và tin nên hăng hái nhập cuộc:
– Con không biết là Thầy thấy được điều ấy, nhưng làm sao Thầy nhìn ra?
– Dễ lắm, Ngài cười và đáp, nếu cô nhìn hai người theo một cách thông thường thì có thể nhận xét tổng quát là họ có hòa hợp với nhau hay không, chẳng hạn giữa mẹ và con có đường nét thân hình giống nhau. Còn về mối liên hệ tinh tế hơn thì phải nhìn vào thể trí của người đó, bằng cách ấy ta có thể nói là hai người có sự thu hút tâm linh lẫn nhau hay không.
– Vậy Thầy cho là Gordon và con có điều đó?
– Tôi tin chắc vậy. Thầy đáp.
– Ha – tôi reo lên một cách đắc thắng, giờ đã biết rồi thì có lẽ em nên đối đãi anh ta khá hơn một chút.
– Em chưa hề xử tệ với anh ta, em tôi đáp lại nóng nảy.
– Anh thấy nó tệ, tôi nói. Giờ nếu em kể Thầy nghe thì anh chắc là Thầy cũng đồng ý với anh.
– Có chuyện gì trục trặc thế? Thầy Moreward hỏi một cách thân mật. Tôi có thể giúp được gì chăng?
Gladys nhìn Thầy tỏ vẻ biết ơn và nói:
– Có chuyện không ổn ạ.
– Nói thế không đúng, chuyện có thể sửa lại được nhưng chỉ có điều em kiêu ngạo quá, tôi chêm vào và cười để làm cho lời phê bình nhẹ bớt.
– Chà, Thầy Moreward nói an ủi, anh trai nhiều khi không tế nhị chút nào phải không?
– Trời, anh con ăn nói thô lỗ lắm, em tôi lạnh lùng đáp lại.
– Sự thực là, tôi giải thích với Thầy, Gladys không thích hôn nhân và chưa muốn lập gia đình, nhưng lại yêu anh chàng và muốn anh ta yêu lại nó. Tuy nhiên hai người chưa hứa hôn, thành ra em con nghĩ là đôi bên phải giữ ý tứ hết mức, tới nỗi em không nói là mình yêu anh ta, cho rằng nói như thế không thích hợp.
Thầy cười với sự khoan dung thấy rõ.
– Sao, Thầy xem con có đúng hay không? Em tôi hỏi Thầy.
– Không đúng đâu, Thầy nói và cười rất hiền.
– Đó, không phải anh nói như vậy sao? Tôi la lớn đắc thắng.
– Nhưng mà Thầy Haig, em tôi biện bạch, làm khác hơn không nên, không hợp với xã hội mà con giao thiệp. Tụi con không phải người chỉ chơi qua đường cho vui, không thể biểu lộ như vậy được.
– Tuy nhiên anh bạn không may của cô thì sao, Thầy nhìn em tôi âu yếm như cha con, có phải là khe khắt với anh không?
– Em hành tội anh ta, tôi phán.
Nghe thế em tôi yên lặng ngẫm nghĩ.
– Em con không chia tay với cậu ấy, tôi quay sang Thầy Moreward nói, mà cũng không tỏ ý thương mến anh ta chút nào. Con thấy đó là sự đùa cợt rất tệ.
– Em chưa hề đùa cợt bao giờ, em tôi đáp ngay.
– Nhưng đó có phải là một hình thức đùa cợt che đậy khéo tới mức làm ta tưởng không phải là đùa cợt? Thầy nói một cách nhẹ nhàng.
– Như vậy nó lại càng đáng chê trách, tôi bồi thêm.
Em tôi tỏ ý thắc mắc.
– Em không hiểu, Gladys nói.
– Thế này này, Thầy giải thích với giọng thật hiền dịu, để biết chắc là người đàn ông có thương yêu mình hay không, cô làm anh ta mê say cô, cô biết rằng anh đau khổ nhưng không đáp lại anh ta gì hết, như thế không phải là sự đùa cợt rất tinh quái sao?
Gladys yên lặng một cách ngượng nghịu.
– Tôi biết, Thầy nói tiếp, chữ đùa cợt không rõ ràng cho lắm và có khi tôi cho là nó không phải đùa cợt chút nào. Thí dụ hai người có thể thật tình quí mến nhau và biểu lộ điều ấy, dù họ không có ý thành hôn với nhau. Nói đúng hơn thì như vậy không phải là đùa cợt, bởi không phải là nó không thành thật. Mặt khác nếu hai người chỉ khêu gợi tình cảm của nhau để làm thỏa mãn lòng kiêu hãnh, mà không phải vì họ thấy thương mến nhau, thì ta có thể gọi đó là đùa cợt. Vì nó khéo léo đòi hỏi một điều và không có ý đáp lại bằng chuyện gì khác.
– Nhưng chắc chắn đó không phải là trường hợp của con – Em tôi phản đối.
– Nào, ta thử nhìn sự việc một cách kỹ lưỡng xem, Ngài đáp. Khi tỏ ra thân mật với cậu ấy thì có phải là cô khiến anh tưởng rằng cô quí mến anh ta, đúng không nào? Cái đó làm anh nuôi hi vọng, nhưng cô lại không hề có ý cho anh biết rằng chuyện sẽ chẳng đi tới đâu. Kết quả là anh ta đau khổ, nói khác đi, không phải là sự đau khổ của anh làm cô thấy vui sao, khi đòi hỏi anh rất nhiều mà không đáp lại một chút gì cả.
– Nhưng người chung quanh sẽ đàm tiếu, Gladys mở miệng phân trần.
– Ý kiến người ngoài – Thầy ngắt lời nhẹ nhàng – dựa trên lòng ích kỷ và kiêu căng, mà không phải là lòng xả kỷ và tình thương.
– Gladys này – Tôi nói – không nên như thế, cách xử sự của em là của người đạo đức giả và thích đùa cợt, em thấy vậy sớm chừng nào thì tốt chừng đó.
– Tỏ ra thành thật với cậu ấy thì có phải là tốt hơn không – Thầy Moreward nói tiếp – bảo với anh ta rằng cô thương yêu anh nhưng quan niệm của cô về hôn nhân khiến cô không muốn thành hôn? Làm như vậy thì vừa thành thật, thẳng thắn, mà cũng cho anh ấy chọn lựa là không theo đuổi cô nữa hay bằng lòng với cảm tình của cô.
– Nhưng làm vậy không được đâu – Gladys bác – anh ta sẽ lập tức muốn hôn con.
– Em đạo đức giả hết chỗ nói – Tôi đáp liền – kiêu hãnh tày trời và lửng lơ không quyết. Này nhé, em làm cho anh ta lúc hi vọng lúc thất vọng, để thỏa mãn lòng kiêu hãnh vô lý của em, rồi còn ỡm ờ không chịu thú thật là em thương yêu cậu ấy, hay cho anh ta hôn để thấy như được lên tiên.
Thầy Moreward nhìn tôi dường như tán đồng, còn Gladys thì nhìn tôi giận dữ.
– Ta ngồi xuống ngắm cảnh đi – Thầy nói. Chúng tôi ngồi xuống cỏ và tôi thấy Ngài nhìn Gladys một cách trầm ngâm.
– Cô xem, Ngài nói sau vài phút yên lặng, có hai loại đức tính trong đời, loại thật và loại giả. Đức tính giả tạo là cái dựa trên lòng kiêu căng, cái thật thì dựa trên lòng không ích kỷ. Chỉ nhìn bề thôi thì không dễ phân biệt được giữa hai cái, bởi ai không suy xét thì thấy chúng giống nhau. Gladys này, xin cô tha lỗi là tôi dùng chữ thô lậu nhưng thái độ của cô đối với cậu ấy dù là đúng đắn và đáng khen ra sao theo quan điểm người đời, thì khi xét theo quan điểm tinh thần thì chỉ là lòng ích kỷ. Nhìn vào hào quang của cô, tôi thấy nó co rút và bó lại thay vì lớn và mở rộng, rồi tôi thấy dấu hiệu cho biết cô đã trải qua y hệt màn kịch này với cùng người này trong nhiều kiếp trước đó, lần nào nó cũng mang lại đau khổ. Tuy nhiên thay vì rút kinh nghiệm từ sự đau khổ ấy, không lần nào cô học bài học đó cả nên trong đời hiện tại cô gặp vẫn y cảnh cũ. Lý do là vì tình thương là mối dây liên kết chúng ta lại gần nhau kiếp này sang kiếp khác, nếu tình thương tỏ ra không ích kỷ và cao thượng thì ta có được hạnh phúc, nếu không thì mối liên hệ sẽ có nét đau buồn thay vì vui tươi. Đó là trường hợp của cô, chuyện này trở thành không vui vì cô vẫn chưa thay đổi thái độ. Tôi e ngại là việc gì đã xẩy ra trước đây nay phải diễn ra trở lại, vì trong những kiếp qua lần nào anh ta cũng chán nản buông xuôi mọi chuyện và bỏ cô mà đi. Khi thương yêu cô, anh ta mong đợi thấy tính không ích kỷ cùng sự rộng mở, nhưng cuối cùng anh bị vỡ mộng.
Ngài nói thật êm ái, dịu dàng. Đó là cách nói của Thầy bất cứ khi nào thảo luận về đề tài tâm linh, nhưng tôi không đủ khả năng để diễn tả lại câu văn của Ngài.
– Cô thấy không – Thầy nói tiếp một cách hăng say và dịu dàng – về vấn đề này cô phản ứng theo qui tắc khe khắt của người đời, mà không hề thắc mắc là nó đúng hay sai, dựa trên cái ích kỷ hay cái cao thượng. Trong trường hợp này cũng như nhiều việc khác, cô cho một nguyên tắc là đúng vì người ta nói vậy, mà quên tự mình suy ngẫm xem nó có đúng hay không. Quan niệm, qui ước của người đời đặt trên luật chung và không có ngoại lệ, hay kể tới hoàn cảnh riêng của từng trường hợp. Mỗi câu chuyện có thể đúng trong trường hợp này nhưng sai trong hoàn cảnh khác. Như vậy thì việc dập khuôn theo qui ước của người đời có khi hết sức đáng trách theo quan điểm thiêng liêng. Hơn thế nữa, nếu thuận theo nguyên tắc mà trong tâm ta biết là sai, thì đó không phải là đức tính mà chỉ là lòng kiêu căng và hèn nhát trá hình, vì vậy không đáng xem là tình yêu chân thật, trong trắng, vô ngã. Và nếu sự tuân theo này không những do lòng kiêu căng sinh ra, mà đồng thời làm cho một người tử tế, ngay thẳng và đáng trọng bị đau khổ, thì nó lại càng đáng bỏ đi, vì tình yêu nào không kể tới niềm vui của đối tượng thì không phải là sự thương yêu gì hết, mà chỉ là tình cảm khác mạo hình là tình yêu mà thôi.”
Thầy ngưng chốc lát, nhìn Gladys với sự khuyên lơn nhẹ nhàng, đặt tay lên cánh tay của em tôi.
– Bây giờ – Ngài nói – nó là sự lựa chọn giống như nhiều chuyện khác, xem giữa lòng kiêu hãnh và tình yêu là cái đẹp đẽ hơn, và xem nên chọn tính trẻ con, vô thường hay cái trường cửu, chọn cái ảo mộng hay cái thực tại lớn lao hơn? Bởi thật sự mà nói lòng kiêu hãnh chỉ là ảo mộng, theo nghĩa ai kiêu căng thì luôn luôn có lòng kiêu hãnh về điều ít khi xứng như vậy, và không nhớ gì đến tính này vào lúc mà nó nên được sử dụng nhất. Cô giống như nhiều người khác hãnh diện che dấu thay vì nhìn nhận, hãnh diện có con tim lạnh lùng thay vì nồng ấm, trong khi thực ra không chuyện nào ở trên xứng đáng để hãnh diện mà ngược lại, chúng chỉ là lỗi lầm cải trang thành đức tính. Tuy nhiên lỗi lầm vẫn là lỗi lầm cho dù người đời nói sao đi nữa. Tính hà tiện cũng vậy, dù là hà tiện tình yêu hay tiền bạc, và hãnh diện về mấy chuyện này là hãnh diện về cái gì yếu đuối, trẻ con thay vì sự sáng suốt và do đó mạnh mẽ.”
Tới đây Thầy dừng lại, nhìn em tôi tỏ ý thuyết phục dịu dàng.
– Tôi có hơi giảng đạo một chút vì hạnh phúc của một người đàn ông đang chờ cô quyết định, Ngài nói có ý biện bạch, và đó cũng là hạnh phúc của cô, vì tuy tình yêu của cô không tha thiết lắm nhưng lúc này cô yêu anh tới hết mức của cô, cô sẽ đau khổ nếu mất cậu ấy mà đó lại là cái tôi sợ sẽ xẩy ra nay mai. Thôi, hôm nay giảng đạo đức bấy nhiêu là đủ, không khéo ta quên ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên đồi, tự nó cũng là triết lý đáng xem.
Tuy nhiên dù lời hùng biện của Thầy Moreward — ít nhất đối với tôi — có sức thuyết phục thế nào đi nữa, thì trong trường hợp này cũng giống như đa số trường hợp khác, sự can thiệp của Thầy hoặc quá muộn, hoặc lòng kiêu căng của Gladys chiếm ưu thế, và em tôi không thể thay đổi thái độ của mình, cho dù trong tâm thấy có lỗi ra sao. Chúng tôi hầu như quên hẳn đi chuyện này cho tới khoảng một tháng sau, Thầy Moreward đưa tôi xem lá thư Gladys viết:
“Thầy Haig kính,
Con rất đau khổ và tuy Thầy đã tìm cách giúp con một lần mà con ngu dốt không nghe theo, con mong là Thầy sẽ tha thứ cho sự khờ dại ấy để giúp con lần nữa. Gordon đã rời bỏ con như Thầy nói trước. Anh ấy chỉ nói là không thể kéo dài sự việc lâu hơn và không muốn gặp con nữa. Con có viết cho anh ấy mấy lần nhưng không được hồi âm, nên con e sợ là không còn mấy hi vọng để đi tới kết quả tốt đẹp. Được nói chuyện với Thầy sẽ an ủi con rất nhiều, con tin chắc là Thầy sẽ tha thứ việc con quấy rầy, nhưng con biết Thầy luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ ai gặp khó khăn.
Kính chào Thầy,
Con,
Gladys Broadbent.”
– Lẽ tự nhiên Thầy sẽ làm điều gì có thể làm, Ngài nói khi tôi đọc xong lá thư, nhưng Thầy nghĩ tốt hơn con nên nói chuyện với Gordon xem anh chàng nghĩ sao về toàn bộ câu chuyện này.
– Con thấy Thầy giảng giải cho Gladys chỉ phí công – Tôi đáp – giống như nước đổ lá khoai – tuy nói vậy không hay mấy.
– Giải thích một chút cho người không tiếp thu không hoàn toàn vô ích đâu, Ngài cười và nói, vì cho dù em con bị đau khổ vì cô muốn có mọi chuyện mà lại không muốn cho đi cái gì, nghĩ rằng lòng kiêu hãnh là đức tính, nhưng đồng thời cô ấy cũng băng khoăn tại sao mình phải chịu đau khổ, và nhờ vậy học bài học dễ dàng hơn. Giờ cô ấy không còn trách móc cậu ta — thay vì tự trách mình — về sự đau khổ của cô. Trong phần còn lại của kiếp này, cô ấy có thể học rằng bản chất của tính thương chân thật là cho ra chứ không phải giữ lại, lúc nào cũng nghĩ tới cái tôi mà không nghĩ tới đối tượng của lòng yêu mến. Như vậy, khi đôi bên gặp lại trong kiếp tương lai, mà chắc chắn họ sẽ tái ngộ, hai người sẽ lại yêu nhau và sự hiểu biết nhỏ bé cô có được trong kiếp này sẽ làm Gladys sáng suốt hơn, và sự đau khổ trong kiếp này sẽ được thay bằng hiểu biết và hạnh phúc.
Cyril Meir Scott – Vị Chân Sư