Luân xa (P1): Tổng quan

Luân xa (P1): Tổng quan

Quan trọng nhất trong hệ thống luân xa là sự quân bình giữa các luân xa.

Có lẽ chưa bao giờ trên mạng internet và trong xã hội phong trào thiền để mở luân xa lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Thử gõ “mở luân xa” vào google ta sẽ thấy vô số thông tin liên quan. Cách đây hơn thế kỷ, những tài liệu đầu tiên về hệ thống luân xa (chakras) đươc phổ biến trong thế giới Tây phương chỉ là một vài quyển sách, hoặc là dịch từ những cổ thư của Ấn độ hoặc Tây tạng, hoặc do các nhà Huyền bí học viết ra từ những khảo cứu của bản thân mình.

Trong giới Thần triết học chỉ có Ông C.W. Leadbeater viết quyển The Chakras, còn bà H.P. Blavatsky gần như không nhắc gì đến hệ thống Chakras trong các sách của mình, trừ trong một số tài liệu huấn luyện của Trường Bí Giáo (Esoteric Section). Ngoài giới Thần Triết, có Arthur Avalon với quyển Serpent Power dịch và chú giải các Tantra của Ấn độ nói về Kundalini cũng được đánh giá cao. Sự cẩn thận của các bậc tiền nhân có lý do chánh đáng của nó. Như đức D.K đã cảnh cáo: khi bạn bắt đầu tìm hiểu và làm việc với các chakras và kundalini là bạn thật sự đang đùa với lửa. Trong trường hợp nầy, có lẽ câu nói “sự hiểu biết nửa vời còn nguy hiểm hơn không hiểu biết gì cả” sẽ đúng hơn là câu ngạn ngữ “nửa cái bánh còn tốt hơn là không có gì cả“.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa những những quyền năng tâm linh bậc thấp và bậc cao, và xem bất kỳ ai đó có những quan năng như nhãn thông, nhĩ thông là những người tiến hóa cao tột. Đây là sự nhầm lẫn tai hại, và thực tế đã cho thấy rằng những vị tự xưng là nhà ngoại cảm nhiều khi trình độ trí tuệ và đạo đức không hơn người thường bao nhiêu, đôi khi còn ngược lại. Thấy không có nghĩa là biết. Một người thợ và một nhà bác học như Newton hay Albert Einstein cùng nhìn và thấy vũ trụ như nhau, nhưng chắc chắn sự hiểu biết về vũ trụ của hai bên hoàn toàn khác nhau một trời một vực. Những quan năng như clairvoyance hay clairaudiance (nhìn và thấy trên cõi trung giới) không nói lên một trình độ tâm linh hay tiến hóa siêu phàm gì cả, và một vài giống dân sơ khai kém tiến hóa hay vài loài thú cũng sở hữu những quan năng nầy.

Luân xa: Tổng quan

Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, các giống dân chánh thứ 3 (giống dân Lemurian – xem The Secret Doctrine của H.P. Blavatsky) được cho là sở hữu con mắt thứ ba (the third eye). Tuy nhiên, theo dòng tiến hóa thì các quan năng nầy tạm thời chìm dưới tâm thức, và con người tập trung vào phát triển trí tuệ trong giống dân chánh thứ 5. Trong những chu kỳ tiến hóa về sau, những quan năng nầy sẽ phát triển trở lại những ở một bình diện cao hơn, nó không còn là những quan năng bậc thấp (lower psychic powers) mà là các quan năng bậc cao (higher psychic power). Và tiến hóa diễn tiến theo hình xoáy ốc, tuần tự lập lại những chu kỳ trước đó nhưng ở một mức độ ngày càng cao hơn mãi…

Do đó, khi dịch các từ clairvoyance hay clairaudiance bằng thần nhãn hay thần nhĩ dễ gây sự hiểu nhầm, cho đây là những quyền năng cao cả, siêu nhiên. Thành ra, việc các nhà Thần triết sau nầy gọi nó là nhãn thông (hay thấu thị) thì hợp lý hơn và tránh những huyễn cảm sai lạc.

Như vậy, clairvoyance hay clairaudiance không phải là cái mà người học đạo mong cầu hay tìm cách hoạch đắc. Cái mà chúng ta cần là sự phát triển trí tuệ, trực giác, đức hạnh, và khi đó những quyền năng cần thiết sẽ đến với chúng ta. Có lẽ lời dạy sau của đức D.K là một lời nhắc nhở mà những người học đạo phải ghi tâm:

Nếu một người nào đó bằng năng lực của ý chí hay do sự phát triển quá mức của trí tuệ thực hiện được sự hòa hợp những ngọn lửa của vật chất nầy [kundalini và prana] và khơi hoạt nó lên, y sẽ đối diện với những mối nguy hiểm như điên loạn, ma ám, chết chóc hoặc bị bệnh trầm trọng ở một bộ phần nào đó của cơ thể y. Y cũng sẽ bị rủi ro qua việc phát triển quá độ những xung động tình dục do những mãnh lực nầy [kundalini] đi lên không đúng cách, hoặc bị lái đến những luân xa không mong muốn. Lý do của điều nầy là vật chất của cơ thể y chưa đủ tinh khiết để chịu đựng được sự hợp nhất của các ngọn lửa, và các vận hà dọc theo xương sống vẫn còn bị nghẻn lại (clogged and blocked), và do đó trở thành một vật cản, lái ngọn lửa trở lại và hướng xuống. Luồng hỏa nầy (được hợp nhất bằng quyền năng của tâm trí chứ, không kết hợp đồng thời với sự tuôn xuống của Tinh thần) đốt cháy các lưới dĩ thái, và các mãnh lực ngoại lai không mong muốn, thâm chí các vong linh, có thể xâm nhập vào y. Chúng sẽ tàn phá những gì còn sót lại của thể dĩ thái, các tế bào não, hoặc thậm chí cả xác thân của y.

Một người khinh suất không biết Cung của mình [cung của Chơn thần và Chơn Ngã] và do đó không biết dạng tam giác hình học đúng cách để lưu chuyển luồng hoả từ luân xa nầy đến luân xa khác, sẽ khiến luồng nội hoả lưu chuyển sai cách, hậu quả là sẽ đốt cháy các tế bào của y. Trong trường hợp nhẹ nhất, điều nầy sẽ làm thụt lùi lại sự tiến hoá của y một vài kiếp sống, bởi vì y phải bỏ mất nhiều thời gian để xây dựng lại những gì đã bị tàn phá, và lập lại theo cách đúng đắn những gì cần phải làm.

Còn nếu y tiếp tục theo đuổi đường lối sai lạc nầy, bỏ qua sự phát triển tinh thần, chỉ tập trung vào nỗ lực tâm trí để điều khiển vật chất cho các mục tiêu ích kỷ, và nếu y tiếp tục điều nầy mặc kệ những khuyến cáo từ chân ngã của y, của các bậc huấn sư đang trông nom y, nếu điều nầy tiếp tục trong một thời gian dài sẽ mang đến cho y sự hủy diệt cuối cùng trong Đại chu kỳ Manvantara nầy. H.P.B có ám chỉ đến điều nầy khi đề cập đến những trường hợp “mất linh hồn”. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh sự hiện thực của điều nầy nhằm cảnh cáo những ai mong tiếp cận đề tài các luồng hỏa vật chất với những hiểm nguy ẩn tàng trong đó. Sự hòa hợp (blending) của các luồng hỏa vật chất nầy phải là kết quả của tri thức thiêng liêng, và phải được điều khiển duy nhất bởi Ánh sáng của Tinh thần, vốn hoạt động thông qua tình thương và vốn là tình thương, và mong mỏi sự hợp nhất tối hậu không phải để thỏa mãn những ham muốn vật chất, nhưng bởi vì mong muốn được giải thoát và tinh khiết hóa để có thể đạt đến sự hợp nhất cao cả hơn với Thượng đế. Mong muốn đạt đến sự hợp nhất nầy không phải vì các mục tiêu ích kỷ, nhưng bởi vì nhằm đạt đến sự hoàn thiện của nhóm và nhằm phục vụ nhân loại một cách rộng rãi và hiệu quả hơn.

Hậu quả của việc “mở luân xa” không đúng cách như đức DK đề cập đến (điên loạn, bệnh tật, chết chóc, ma ám …) trên mạng internet có đề cập nhiều. Do đó người học đạo phải cẩn thận và có trí phân biện. Việc khai mở các luân xa (the awakening of the chakras) không phải là chuyện một sớm một chiều, những gì mà chúng ta sở hữu ngày hôm nay là kết quả của hằng triệu năm tiến hóa. Đề cập đến các luân xa, đức D.K chỉ dùng từ awakening, hàm ý một quá trình lâu dài, kết quả của nhiều kiếp sống. Việc một vài cá nhân dạy cách mở các luân xa bằng tham thiền, bằng ngoại lực của một ai đó trong một thời gian ngắn có lẽ không phù hợp với lý lẽ tự nhiên và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thiếu hiểu biết. Quan trọng nhất trong hệ thống luân xa là sự quân bình giữa các luân xa. Thái quá hay bất cập đều có hại. Nhưng có lẽ trừ các bậc thánh nhân, các Chân sư, hệ thống chakras của chúng ta chúng ta ít nhiều điều lệch lạc. Đối với giống dân thứ 4 (giống dân Atlantean) luân xa phát triển mạnh nhất là luân xa tùng thái dương, và điều nầy cũng đúng với đa phần nhân loại hiện nay vốn sống thiên nặng về cảm tính (astrally polarised). Một số người sống thiên về trí tuệ (mentally polarised) thì các luân xa tim và cuống họng bắt đầu phát triển.Việc luân xa nào phát triển mạnh hơn các luân xa còn lại đều dẫn đến các rắc rối hoặc bệnh tật liên quan đến luân xa đó, cụ thể hơn là vùng cơ thể lân cận của luân xa. Đối với luân xa Tùng thái dương thì đó là vùng bụng bao gồm gan, bao tử, lá lách, ruột … căn bệnh ung thư của các cơ quan trong vùng nầy được cho là có căn nguyên từ sự phát triển thái quá của luân xa tùng thái dương.

Và như đức DK khuyến cáo, quan trọng nhất là không bao giờ tham thiền lên các luân xa, nhất là các luân xa dưới hoành cách mạc, bởi vì người hoc đạo biết rằng năng lượng đi theo tư tưởng (energy follows thought). Việc tập trung tự tưởng lên một luân xa nào đó mà không biêt rõ tình trạng của luân xa đó là việc làm nguy hiểm, dẫn đến việc kích thích thái quá (over-stimulation) luân xa đó, và hậu quả là sự ngưng đọng năng lượng (congestion) tại luân xa, và bệnh tật sẽ phát sinh.

Trong phần 2, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thêm về hệ thống các luân xa qua giáo lý của đức D.K

Nguồn: Minh triết mới