Luân xa (P10): Luân xa trong đầu

Thông qua việc phát triển 7 luân xa đặc biệt khác nằm trong phạm vi vùng đầu, chúng ta có thể khai mở các luân xa chính trong cơ thể.

Rải rác trong các quyển sách của mình, đức D.K đôi khi hé lộ cho chúng ta biết ngoài bảy luân xa chính và các luân xa phụ, còn có 7 luân xa đặc biệt khác nằm trong phạm vi vùng đầu của chúng ta. Ngài gọi các luân xa nầy là controlling center, nghĩa là các luân xa nầy giữ vai trò kiểm soát các luân xa tương ứng trong cơ thể. Thông qua việc phát triển các luân xa nầy chúng ta có thể khai mở các luân xa chính trong cơ thể.

Luân xa (P10): Luân xa trong đầu

Trong quyển sách đầu tiên của Ngài, Điểm đạo trong nhân loại và thái dương, phần 14 qui luật của điểm đạo, chúng ta đọc thấy qui luật số 8 huấn thị người tử chuẩn bị điểm đạo như sau:

Khi người đệ tử đã đến gần cửa điểm đạo, Bảy Cái Lớn phải thức tỉnh và tạo ra sự đáp ứng của Bảy Cái Nhỏ trên vòng tròn đôi.

Ngôn từ của các qui luật nầy được Ngài dịch từ những văn bản rất cổ xưa, ý nghĩa rất trừu tượng và khó hiểu. Trong phần giải thích, Ngài nói rằng:

Người đệ tử chuẩn bị phải phát triển phần nào rung động của bảy luân xa trong đầu, thông qua đó tăng cường các rung động của bảy luân xa chính trong cơ thể…Chúng ta chỉ cần biết rằng khi bảy luân xa trong đầu đã đáp ứng với Chân Ngã thì bảy luân xa chính:
– Luân xa đầu (head center), xem như một đơn vị
– Luân xa tim
– Luân xa cuống họng
– Luân xa tùng thái dương
– Luân xa đáy cột sống
– Luân xa lá lách
– Cơ quan sinh dục
Cũng bị ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng theo chiều hướng tinh khiết hoá và kiểm soát.

Trong đoạn văn trên, Ngài đề cập đến luân xa đầu xem như một đơn vị (head center—considered as a unit) có lẽ Ngài muốn nói đến hai luân xa chính trong đầu là luân xa ngàn cánh và luân xa Ajna. Đôi khi Ngài gọi chung hai luân xa trên là luân xa đầu (head center). Ngoài ra Ngài cũng gọi luân xa xương cùng là Cơ quan Sinh dục (organs of generation)

Trong cùng quyển sách trên Ngài có đề cập đến các luân xa trong đầu ở một đoạn khác:

Người ta cho rằng trong đầu của mỗi người có bảy trung tâm lực, liên kết với các luân xa khác trong cơ thể, xuyên qua đó mà mãnh lực của Chơn Ngã được ban phát và luân lưu. Đức Sanat Kumara và sáu vị Kumara khác cũng giữ vai trò tương tự như thế.

Trong đoạn trên Ngài ví vai trò của bảy luân xa trong đầu với vị trí mà đức Sanat Kumara và sáu vị Kumara khác giữ trong vòng tiến hóa của hành tinh chúng ta đủ cho ta hiểu tầm quan trọng của các luân xa nầy như thế nào.

Tóm lại, theo đức D.K thì trong đầu của mỗi người có bảy luân xa trung tâm (central centers), tương ứng với các luân xa chính trong cơ thể (luân xa đỉnh đầu xem như một đơn vị, luân xa tim, luân xa cuống họng, luân xa tùng thái dương, luân xa lá lách, luân xa xương cùng, luân xa đáy cột sống). Khi chúng ta phát triển hay khai mở các luân xa trong đầu tương ứng cũng sẽ phát triển theo. Điều nầy có lẽ cũng gần giống như trong Châm cứu học của đông y, người ta cho rằng trên mặt của mỗi người có những vị trí tương ứng với các cơ quan trong cơ thể (diện chẩn). Tuy nhiên ngay từ thời bà H.P. Blavatsky bà đã đề cập đến các luân xa trong đầu nầy (mà bà gọi là Master Chakras) trong huấn thị cho Bộ phận Bí Giáo (huấn thị số III):

Bảy Luân xa của chúng ta đều ở trong đầu, và chính các Luân xa chính yếu (Master Chakras) nầy cai quản và kiểm soát bảy đám rối thần kinh chính trong cơ thể, cũng như 42 đám rối thần kinh phụ mà Sinh lý học từ chối gọi như thế … Khi đến lúc thì sinh viên trường Nội môn Bí Giáo sẽ được giảng dạy chi tiết về các Master Chakras nầy, cách sử dụng chúng…

Trong đoạn văn trên bà H.P. Blavatsky đồng hóa các luân xa chính trong cơ thể với các đám rối thần kinh (plexus). Tuy nhiên đoạn văn trên cho ta thấy giáo huấn về các luân xa trong đầu không phải chỉ mới được đức D.K đưa ra lần đầu tiên, nhưng chính Ngài là người dạy đầy đủ nhất và rõ ràng nhất về hệ thống luân xa.

Trong Cosmic Fire đức D.K đôi chỗ có giải thích thêm về các luân xa trong đầu nầy, ví dụ trong đoạn sau Ngài nói:

Trong giai đoạn thứ nhì năng lượng của sáu luân xa thấp:

– Luân xa cuống họng
– Luân xa tim
– Luân xa tùng thái dương
– Luân xa lá lách
– Cơ quan sinh dục
– Luân xa đáy cột sống

Được chuyển dịch vào các luân xa tương ứng trong đầu, thứ tự tùy theo Cung chính và Cung phụ của một người. Bảy luân xa trong đầu là phản ảnh trong tiểu thiên địa của những “căn phòng đã chuẩn bị sẵn trên Cõi trời” để tiếp nhận năng lượng thất phân của Chơn thần. Các căn phòng nầy (chambers) được chuẩn bị bởi năng lượng thấp vốn tiếp nhận năng lượng cao của linh hồn.

Đoạn văn trên hơi khó hiểu và khó dịch ra tiếng Việt trơn tru. Ngài nói trong đầu của chúng ta có bảy luân xa đầu (head centers). Ngài dùng từ chamber có lẽ muốn ám chỉ vị trí của các luân xa trong đầu nầy có liên quan đến các não thất. Ngài cũng nói thêm các chamber nầy được chuẩn bị bởi các năng lượng thấp của phàm ngã, có lẽ ta cũng có thể suy diễn rằng bản thân các luân xa chính trong cơ thể khi phát triển chúng cũng tác động lên các luân xa trong đầu nầy. Chỉ trong giai đoạn về sau, khi Chơn Ngã đã bắt đầu thể hiện và kiểm soát phàm ngã, các luân xa trong đầu nầy bắt đầu đáp ứng với năng lượng từ Chơn Ngã thì chúng sẽ khai mở mạnh lên, đồng thời cũng tác động lên các luân xa chính trong cơ thể, tăng cường các rung động của chúng.

Một điểm cần lưu ý là trong kỳ điểm đạo lần thứ 3 khi đức Sanat Kumara chủ trì điểm đạo thì năng lượng từ Quyền trượng điểm đạo trong tay Ngài truyền đạt năng lượng từ Chơn Thần kích hoạt bảy luân xa trong đầu. Ở các kỳ điểm đạo 1 và 2 khi đức Maitreya chủ trì điểm đạo thì Quyền trượng điểm đạo trong tay Ngài kích thích các luân xa tim và cuống họng của người đạo đồ

Một chi tiết khá huyền bí là đức D.K dạy rằng luân xa lá lách có luân xa tương ứng trong đầu, và người đạo đồ bằng tác động của ý chí, có thể thông qua luân xa trong đầu nầy hấp thụ prana và truyền đến bệnh nhân để chữa bệnh

Một đệ tử thân cận của đức D.K (F.C.D) có hỏi Ngài chi tiết về các luân xa trong đầu nầy, nhưng Ngài từ chối trả lời. Có lẽ Ngài nghĩ những gì Ngài viết đã đủ cho thế hệ chúng ta. Có lẽ những gì ta chưa biết sẽ chờ đợt revelation thứ 3 mà Ngài hứa hẹn sẽ mang đến cho chúng ta trong thế kỷ XXI (năm 2025).

Nguồn: Minh triết mới