Pranayama có nghĩa là phương pháp kiểm soát Prana, năng lượng của vũ trụ.
Tóm tắt nội dung bài viết
I. Pranayama (Control of Prana)
Trong tám pháp môn của Raja Yoga, Pranayama đứng ở vị trí thứ tư sau Asana. Pranayama có nghĩa là phương pháp kiểm soát Prana, năng lượng của vũ trụ. Tuy rằng Patanjali không đề cao quá mức Pranayama trong Yoga Sutra của mình, nhưng Ông khuyến cáo việc nên điều hòa hơi thở trước khi tham thiền qua các chu kỳ hít vào, nín thở, và thở ra. Hầu hết chúng ta không ý thức được rằng có một mối quan hệ mật thiết giữa tâm trí và hơi thở. Khi chúng ta thở hổn hển, ngắt quãng, không điều hòa thì tâm trí ta cũng bất an, và ngược lại, khi chúng ta lo sợ, giận dữ hơi thở ta cũng thiếu an tịnh. Hơn thế nữa, đức D.K dạy chúng ta rằng “đừng có ai đó nghi ngờ về hiệu quả của các bài tập thở lên thể sinh lực (dĩ thái) của chúng ta. Cũng giống như ăn và uống ảnh hưởng một cách chắc chắn trong việc kiến tạo hay phá hủy xác thân, phương pháp thở cũng tạo ra những hiệu quả mạnh mẽ lên thể dĩ thái nếu thực hiện trong một thời gian đủ dài.”
Tuy nhiên việc thực hành Pranayama cũng cực kỳ nguy hiểm, nên người ta khuyên chúng ta chỉ học Pranayama dưới sự hướng dẫn của Chân sư hay một vị đạo đồ. Trong quyển Đường đạo trong kỷ nguyên mới các phép thở mà đức D.K dạy các đệ tử đều bị xóa bỏ, chỉ trừ một vài phương pháp mà Ngài thấy rằng vô hại cho người đọc. Trong quyển Superconsciousness through meditation của tác giả Douglas M. Baker có hướng dẫn một vài phương pháp thở đơn giản mà chúng tôi nghĩ rằng có thể sử dụng được và hữu ích cho bạn đọc. Chúng tôi xin lược dịch và trình bày ở đây để các bạn tham khảo. Xin lưu ý chúng ta nên luôn cẩn thận và có trí phân biện trong khi thực hành. Quan trọng của phép thở là sự điều hòa, chậm rãi. Khi các bạn phát hiện có gì bất thường trong cơ thể thì ngừng thực hành vài ngày, xong hãy thực hành lại. Nếu sự bất thường kéo dài, bạn nên ngừng hẳn sự thực tập.
Pranayama trong Hatha Yoga là cả một bộ môn khoa học. Trong Pranayama, người ta phân chia chu kỳ thở thành ba phần: thở vào, giữ hơi thở (nín thở), và thở ra. Việc nín thở, tiếng Phạn gọi là Kumbhaka, có thể thực hiện sau khi hít vào hoặc sau khi thở ra, và có vai trò trọng yếu trong phép thở. Người ta thực hiện nín thở theo những tỉ lệ khác nhau, ban đầu ít, sau tăng dần lên. Cuối cùng thông qua Pranayama người ta có thể điều khiển sinh lực Prana theo ý mình.
Phương pháp thở bụng hay thở sâu của dưỡng sinh không liên quan gì đến Pranayama, chúng là một phương pháp thể dục tăng cường sức khỏe. Nó gia tăng lượng oxygen hít vào cơ thể, và cũng đồng thời gia tăng lượng Prana hấp thu, tuy nhiên nó không tác động chi đến luồng Prana. Ngược lại, phương pháp thở luân phiên từng lỗ mũi (alternate nostril breathing) có tác động lên luồng Prana ở một mức độ nào đó, nhưng công dụng chính của phương pháp thở nầy là tinh lọc các đường từ lực nadis, đặc biệt là hai vận hà chính Pingala và Ida, trong cơ thể, dọn đường cho sinh lực Prana lưu thông trong các vận hà nầy. Dĩ nhiên khi chúng ta thở bình thường thì sinh lực Prana lưu chuyển theo con đường bình thường tự nhiên của mình. Trong phép thở luân phiên từng lỗ mũi (không có giữ hơi thở lại) có tác dụng làm dịu tâm trí, có thể dùng để chuẩn bị cho giai đoạn tham thiền.
II. Phương pháp thở luân phiên từng lỗ mũi (Alternate Nostril Breath)
Chuẩn bị: Gấp ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải lại như hình 1. Ngón cái tì nhẹ trên lỗ mũi phải, ngón áp út trên lỗ mũi trái, thở ra nhẹ nhàng qua cả hai lỗ mũi.
Thở qua lỗ mũi trái: Ngón cái bít lỗ mũi phải lại, hít vào nhẹ nhàng và chầm chậm qua lỗ mũi trái. Xong dùng ngón áp út bít lỗ mũi trái lại (cả hai lỗ mũi lúc nầy đều đóng lại bằng hai ngón cái và áp út). Giữ hơi thở trong bao lâu mà bạn cảm thấy thoải mái và chịu được. Lúc đầu nên giữ ít, sau khi quen bạn hãy tăng dần lên.
Thở qua lỗ mũi phải: Buông ngón cái ra khỏi lỗ mũi phải, thở ra nhè nhẹ qua mũi phải (lỗ mũi trái vẫn đóng lại bởi ngón áp út). Sau khi thở ra, bạn bắt đầu hít vào qua mũi phải. Khi hít vào xong, bạn dùng ngón cái bít lỗ mũi phải lại, nín thở chừng nào mà bạn cảm thấy thoải mái. Cuối thời gian nín thở, bạn buông ngón áp út ra khỏi mũi trái, bắt đầu thở ra. Hai bước 2 và 3 trên tạo thành một nhịp thở. Một buổi tham thiền bạn chỉ nên thực hành 5 nhịp thở luân phiên là đủ.
Trong khi thực hành bạn nên đếm hơi thở, giữ chu kỳ hít vào, nín thở, và thở ra theo một tỉ lệ cố định. Lý tưởng nhất là tỉ lệ 1:4:2, nghĩa là nếu bạn hít vào 4 nhịp đếm, bạn giữ hơi thở 16 nhịp, và thở ra 8 nhịp. Bạn lưu ý lúc nào nhịp thở ra cũng dài hơn khi hít vào. Lúc bắt đầu thực tập tỉ lệ nên là 1:1:1, sau tăng lên lên 1:2:1, và cuối cùng là 1:4:2.
Khi đã thuần thục, bạn có thể kết hợp phép thở trên với phương pháp hình dung (visualization). Khi hít vào qua mũi trái, bạn tưởng tượng một luồng sinh lực Prana màu trắng đi vào cơ thể qua mũi trái dọc theo cột sống bên trái. Khi nín thở bạn tập trung ánh sáng trắng đó tại luân xa đáy cột sống. Khi thở ra qua mũi phải bạn tưởng tượng ánh sáng trắng đi từ luân xa đáy cột sống theo đường vận hà trung tâm (Sushumna) đến luân xa đỉnh đầu. Khi hít vào qua mũi phải bạn lại tưởng tượng luồng ánh sáng trắng đi vào qua mũi phải dọc theo cột sống phải đến luân xa đáy cột sống. Kế đến giữ hơi thở và tưởng tượng ánh sáng trắng tại luân xa đáy cột sống. Khi thở ra qua mũi trái tưởng tượng ánh sáng trắng đi lên theo vận hà sushumna đến luân xa đỉnh đầu
III. Phép thở toàn diện (Full Breath)
Bạn hít vào, tưởng tượng trên đầu một quả cầu ánh sáng trắng chói rực, khoảng 15cm trên đỉnh đầu. Giữ hơi thở lại và vẫn hình dung trong trí quả cầu ánh sáng trắng đó. Kế đến thở ra và tưởng tượng một luồng ánh sáng trắng từ quả cầu đi xuống đỉnh đầu, qua luân xa đỉnh đầu và bao trùm cơ thể. Xong bạn tiếp tục hít vào. Thực hành 5 lần như thế trong một buổi tham thiền. Chu kỳ hít vào, nín thở, thở ra lúc đầu là 1:2:1 hoặc 1:2:2, sau đó tăng dần lên 1:4:2. Ví dụ bạn hít vào 4 nhịp đếm, nín 8 nhịp, xong thở ra 4 (1:2:1) hoặc 8 nhịp (1:2:2)
Bạn có thể kết hợp xướng linh từ OM trong khi thở ra và tưởng tượng luồng ánh sáng tuôn xuống từ quả cầu ánh sáng trắng trên đỉnh đầu.
Nguồn: Minh triết mới