Thông thường có ba luân xa hoạt động mạnh nhất và tạo thành một tam giác luân xa nổi bật trong một giai đoạn tiến hóa nào đó của mỗi cá nhân.
Tóm tắt nội dung bài viết
I. Sự chuyển di năng lượng giữa các luân xa
Tại một thời điểm bất kỳ các luân xa trong con người không phát triển đồng đều nhau, có những luân xa hoạt động mạnh hơn các luân xa khác. Thông thường có ba luân xa hoạt động mạnh nhất và tạo thành một tam giác luân xa nổi bật trong một giai đoạn tiến hóa nào đó của mỗi cá nhân. Đức D.K liệt kê một số tam giác luân xa trong quyển A Treatise on Cosmic Fire trang 169-170, và Thư về Tham thiền huyền môn trang 75-77.
Khi một luân thấp đã phát triển mạnh, năng lượng của nó sẽ từ từ dịch chuyển lên luân xa tương ứng cao của nó. Người ta hay nói đến ba sự chuyển di năng lượng cơ bản trong hệ thống luân xa như sau:
– Năng lượng của luân xa xương cùng di chuyển đến luân xa cuống họng.
– Năng lượng của luân xa tùng thái dương chuyển đến luân xa tim.
– Năng lượng của luân xa gốc chuyển đến luân xa đỉnh đầu.
Chúng ta cần lưu ý rằng tất cả những xúc cảm (emotion) như hờn giận, thương, ghét, lo sợ, lòng ích kỷ, tính bao dung … đều là mãnh lực (forces) hay năng lượng (energies) trên cõi thanh. Một nhà thấu thị có thể thấy những năng lượng nầy trên cõi trung giới với hình dạng và màu sắc của nó.
Các sự chuyển di năng lượng nầy thực hiện hoàn chỉnh tương ứng với các cuộc điểm đạo 1, 2, và 3. Tuy nhiên trong thực tế sự chuyển di năng lượng giữa các luân xa phức tạp hơn rất nhiều. Trong quyển Esoteric Healing trang 214-215 đức D.K dạy rằng ngoài ba sự dịch chuyển năng lượng kể trên còn có các sự dịch chuyển năng lượng khác như sau:
– Sự chuyển dịch năng lượng từ một luân xa bất kỳ hay từ tất cả năm luân xa trên xương sống đến luân xa Ajna. Điều nầy có nghĩa là các năng lượng không điều hợp (uncoordinated) của phàm ngã được chuyển hóa thành sự kết hợp (integration) của phàm ngã.
– Sự chuyển di năng lượng của tất cả sáu luân xa vào luân xa đỉnh đầu.
Ngài cũng lưu ý chúng ta rằng năm sự chuyển dịch năng lượng kể trên không phải xảy ra tuần tự và theo thứ tự như trên. Các quá trình chuyển dịch có thể xảy ra đan xen và chồng chéo lẫn nhau, và có thể xảy ra theo một trật tự khác với trật tự liệt kê trên. Nói chung, sự chuyển di năng lượng giữa các luân xa nầy xảy ra kéo dài trong nhiều kiếp sống. Lúc đầu nó xảy ra một cách chậm chạp và vô thức. Kế đến nó là kết quả của những nỗ lực có ý thức của con người và của những kinh nghiệm cay đắng. Cuối cùng khi con người đã bước vào đường đạo thì sự chuyển di năng lượng sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều vì y được dạy cho cách chuyển dịch có ý thức các dòng năng lượng nầy.
II. Quá trình chuyển dịch năng lượng giữa hai luân xa:
Quá trình chuyển dịch năng lượng của luân xa thấp vào luân xa cao xảy ra trong ba bước sau đây:
Bước 1: Luân xa thấp gia tăng cường độ hoạt động của mình. Điều nầy khiến cơ quan của thể xác liên hệ với nó cũng hoạt động quá mức, hậu quả dẫn đến sự tắt nghẽn (congestion) của năng lượng và bệnh tật.
Bước 2: Dòng năng lượng từ luân xa thấp bắt đầu dịch chuyển đến luân xa cao và được hấp thụ vào luân xa đó. Luân xa cao gia tăng dần hoạt động của mình, trong khi luân xa thấp cũng giảm dần rung động của nó. Tuy nhiên trong giai đoạn nầy, dòng năng lượng thường bị dao động qua lại giữa hai luân xa, đặc biệt trong trường hợp luân xa xương cùng. Ban đầu dòng năng lượng từ luân xa xương cùng bị luân xa cuống họng đẩy ra hướng về luân xa xương cùng để được hấp thu lại. Sau đó nó lại chuyển dịch đến luân xa cuống họng để được hấp thu vào lần nữa. Quá trình nầy lập đi lập lại nhiều lần đến khi năng lượng của luân xa thấp được hoàn toàn hấp thu vào luân xa cao.
Bước 3: Năng lượng của luân xa thấp hoàn toàn được hấp thụ vào luân xa cao. Điều nầy dẫn đến một thời kỳ khó khăn mới, nhưng lần nầy nó xảy ra trong luân xa cao, dẫn đến bệnh tật của cơ quan thể xác có liên hệ với luân xa đó.
Ngoài ra ta cũng lưu ý năng lượng của các luân xa thấp dưới hoành cách mô không đi thẳng vào các luân xa trên mà trước tiên bị hấp thu vào luân xa trung gian là luân xa tùng thái dương. Đức D.K gọi luân xa tùng thái dương là kho xử lý “great clearing house” của tất cả năng lượng thấp dưới hoành cách mô.
III. Bệnh tật là hậu quả ban đầu của sự chuyển dịch năng lượng:
Trong quá trình dịch chuyển năng lượng của luân xa thấp lên luân xa cao tất yếu phải dẫn đến sự rối loạn trong sự phân bố và hấp thu của các dòng năng lượng. Và kết quả là bệnh tật của cơ quan tương ứng. Ví dụ khi năng lượng của luân xa xương cụt thăng lên luân xa tùng thái dương thường xảy ra rối loạn và bệnh tật của hệ thống đường ruột. Khi năng lượng của các luân xa thứ yếu dưới hoành cách mô (không nằm trên cột sống) dâng lên luân xa tùng thái dương thì hay xảy ra bệnh tật của thận và mật.
Một trường hợp khác khi các năng lượng tích tụ trong luân xa tùng thái dương chuyển dịch đến luân xa tim thì tim chịu một áp lực to lớn, thường là rất trầm trọng. Đó là lí do tại sao ngày nay nhiều người tiến hóa cao hay chết vì bệnh tim. Trong chu kỳ kiếp sống dài của linh hồn khó khăn nầy không đáng kể, nhưng trong một kiếp sống ngắn ngủi thì đó là một khó khăn lớn và là một bi kịch. Tương tự khi năng lượng của năm luân xa trên cột sống chuyển di vào luân xa Ajna cũng gây ra những khó khăn riêng của nó. Sự tập trung tất cả năng lượng của năm luân xa vào nó có thể gây ra những hậu quả tâm lý trầm trọng. Con người có thể tạm thời trở thành cực kỳ vị kỷ, một quái vật người như Adolf Hitler và đồng bọn của y, tuy có thể một mức độ thấp hơn. Hoặc y có thể bị bệnh động kinh nặng, hoặc thị giác bị ảnh hưởng, đôi khi mù. Đây là những vấn đề mà ta cần quan tâm.
Nguồn: Minh triết mới