Nhân quả (Karma) – Annie Besant

(Trích đoạn sách) Mọi tư tưởng của con người khi được khai triển ra đều chuyển vào nội giới, và trở thành một thực thể hoạt động bằng cách liên kết (ta có thể gọi là hỗn hợp) với một tinh linh ngũ hành – nghĩa là với một trong các lực bán thông tuệ thuộc các giới trong thiên nhiên. Nó sống còn với vai trò là một sinh linh thông tuệ hoạt động – một tạo vật do trí người sinh ra – trong một thời gian lâu hoặc mau tỉ lệ với cường độ nguyên thủy của tác động trí não đã sản sinh ra nó. Vậy là một tư tưởng tốt trường tồn dưới dạng một quyền năng hoạt động ban phúc, còn một tư tưởng xấu trường tồn dưới dạng một con quỉ giáng họa. Và thế là con người không ngừng làm cho dòng tâm linh của mình trong không gian chứa đầy thế giới của riêng mình, ngổn ngang đám con cháu của những hoang tưởng, ham muốn xung động và đam mê của mình, dòng tâm linh này phản tác động lên bất kỳ nhà thông linh nào hoặc tổ chức thần kinh nào đến tiếp xúc với nó, tỉ lệ với cường độ năng động của nó. Phật tử gọi nó là “Uẩn” (Skandha), còn tín đồ Ấn giáo gọi nó là “Nhân quả” (Karma). Bậc cao đồ triển khai những hình tướng này một cách hữu thức; còn những người khác phóng chúng ra một cách vô ý thức.

Từ trước đến nay chưa có một phác họa sinh động nào về bản chất của Nhân quả đã từng đưa ra hay hơn những dòng chữ nêu trên vốn được rút ra từ một trong những bức thư đầu tiên của Chơn sư K. H. Nếu ta hiểu rõ được những thứ này với mọi hàm ý của chúng thì những bối rối xung quanh đề tài này phần lớn sẽ biến mất và ta sẽ lĩnh hội được nguyên tắc chính yếu là nền tảng của tác động Nhân quả. Vì vậy ta phải coi chúng là biểu thị đường lối nghiên cứu hay ho nhất và ta sẽ bắt đầu bằng cách xét tới quyền năng sáng tạo của con người. Trước hết ta chỉ cần quan niệm rõ ràng về tính bất di bất dịch của định luật cùng với các cõi lớn trong Thiên nhiên. 

TÍNH BẤT DI BẤT DỊCH CỦA ĐỊNH LUẬT

Có một sự thật sáo mòn là chúng ta sống trong phạm vi của định luật, chúng ta bị vây bủa bởi những định luật mà chúng ta không thể phá vỡ được. Thế nhưng khi ta thừa nhận sự thật này một cách chân thành và mang tính sống còn, khi ta thấy nó là sự thật cả trong thế giới tâm trí và đạo đức lẫn trong thế giới vật lý, thì ta thường bị đè bẹp bởi một cảm giác chới với nào đó, dường như thể ta cảm thấy mình nằm trong nanh vuốt của một quyền lực mạnh mẽ nào đó túm bắt lấy ta và lôi cuốn ta đi tới bất cứ nơi nào nó muốn. Thực ra thì trường hợp này lại ngược hẳn với thực tại, vì một khi ta đã thấu hiểu quyền lực đó thì mãnh lực ấy sẽ ngoan ngoãn đưa ta đi tới bất cứ nơi đâu mà ta muốn: ta có thể sử dụng mọi mãnh lực trong Thiên nhiên tỉ lệ với mức mà ta thấu hiểu được chúng. “Thiên nhiên được chinh phục sẽ ngoan ngoãn vâng lời” và năng lượng vô địch của nó sẽ tuân theo lệnh của ta ngay khi sự hiểu biết giúp ta làm việc phối hợp với chúng chứ không đương đầu với chúng. Chúng ta có thể chọn ra từ kho dự trữ vô tận của nó những mãnh lực phục vụ được cho mục đích của ta để tạo trớn cho ta và định hướng cho ta v.v. . . thế là chính tính bất biến của chúng ắt bảo đảm được cho sự thành công của ta.

Tính bất biến của định luật là nền tảng của sự an toàn trong thí nghiệm khoa học, là cơ sở cho mọi khả năng hoạch định một kết quả và tiên đoán tương lai. Nhà hóa học dựa vào tính chất này vì chắc mẫm rằng Thiên nhiên bao giờ cũng đáp ứng theo cùng một cách thức nếu người ta nêu ra những vấn đề một cách chính xác. Y coi sự biến thiên về kết quả là hàm ý có thay đổi về phương thức của mình chứ không thay đổi nơi Thiên nhiên. Mọi tác động của con người cũng như thế; nó càng dựa vào sự hiểu biết thì nó càng dự báo chắc chắn hơn, vì mọi “tai biến” đều là kết quả của sự vô minh do sự vận hành của những định luật mà người ta không biết tới hay bỏ qua. Trong thế giới tâm trí và đạo đức cũng như thế giới vật lý, ta có thể tiên đoán được, hoạch định được, tính toán được các kết quả. Thiên nhiên không bao giờ phản bội chúng ta; chỉ có sự mù quáng của chính ta là phản bội ta thôi. Trong mọi thế giới đó thì càng hiểu biết lại càng có nghĩa là có nhiều quyền năng, và sự toàn tri cũng như toàn năng chỉ là một.

Ta phải trông mong định luật cũng bất biến nơi thế giới tâm trí và đạo đức cũng như nơi thế giới vật lý vì vũ trụ là phân thân của Đấng Nhất Như và điều mà chúng ta gọi là Định luật chẳng qua là biểu hiện của Bản chất Thiêng liêng. Vì chỉ có Sự Sống Nhất Như phân thân ra vạn vật cho nên cũng chỉ có một Định luật duy nhất bồi dưỡng cho vạn vật; các thế giới dựa trên hòn đá tảng Bản chất Thiêng liêng này giống như dựa trên một nền tảng chắc chắn bất di bất dịch.

Tải sách Nhân Quả tại đây