Thông thiên học – Annie Besant

(Trích đoạn sách) Thông Thiên Học có từ nguyên là hai từ ngữ Hi Lạp, Theos là Thượng Đế, Sophia là Minh Triết, do đó Thông Thiên Học là Minh Triết của Thượng Đế, Minh Triết Thiêng Liêng. Bất cứ tự điển nào cũng trình bày ý nghĩa của nó: “Một khẳng định có được tri thức trực tiếp về Thượng Đế và các Chơn linh”; định nghĩa ấy không phải là thiếu chính xác mặc dù nó còn sơ lược và chỉ cung cấp một ý tưởng nho nhỏ về tất cả những gì được gói ghém trong thuật ngữ ấy xét về mặt lịch sử lẫn mặt thực hành.

Mục tiêu tối hậu của mọi Thông Thiên Học cũng như chính tâm huyết và sinh hoạt của mọi Tôn giáo chân chính đều là đạt được “tri thức trực tiếp về Thượng Đế” – ta sẽ thấy như vậy khi bàn về khía cạnh tôn giáo của Thông Thiên Học. Đây là “tri thức cao nhất, tri thức của Đấng mà nhờ ngài ta mới biết được mọi thứ khác”, nhưng trong khi nghiên cứu Thông Thiên Học, phần lớn là ta đạt được tri thức thấp hơn, tri thức về “mọi thứ khác” mà ta có thể biết được cùng với những phương pháp để biết.

Điều này cũng tự nhiên thôi vì mỗi người phải đạt được tri thức tối cao cho bản thân và ít ai có thể làm được gì giúp người khác ngoại trừ việc chỉ đường, gợi hứng để tinh tấn hoặc nêu gương; trong khi đó tri thức thấp hơn có thể được giảng dạy qua sách vở, qua diễn thuyết, qua đàm đạo và được truyền từ miệng người này sang tai người kia.

Ý NGHĨA CHỦ YẾU

Thông Thiên Học là tri thức trực tiếp về Thượng Đế; việc theo đuổi điều này chính là Thần bí học hoặc Nội môn Bí giáo chung cho mọi tôn giáo mà Thông Thiên Học trình bày dưới dạng khoa học, chẳng hạn như trong Ấn giáo, Phật giáo, Ki Tô giáo của Công giáo La Mã và phái Sufi. Cũng như các tôn giáo này, Thông Thiên Học dạy ta theo một cách hoàn toàn minh bạch và xác định về những pháp môn để đạt được tri thức trực tiếp bằng cách khai mở tâm thức linh thiêng và phát triển các cơ quan giúp cho tâm thức ấy có thể hoạt động trên cõi trần – một lần nữa, đó là các pháp môn tham thiền giới luật.

Vì thế cho nên nó cũng giống như Khoa học về Chơn ngã (Atma-vidyā), Khoa học về Đấng Vĩnh hằng (Brahma-vidyā) vốn là cốt lõi của Ấn giáo; nó cũng là “Tri thức về Thiên Chúa vốn là Sự Sống Đời Đời”, đây là Tinh hoa của Ki Tô giáo. Nó không phải là một điều gì mới mẻ mà vốn có nơi mọi tôn giáo; vì thế cho nên ta thấy nhà Đông phương học lỗi lạc đã quá cố Max Mϋller có viết một công trình nổi tiếng về Thông Thiên Học tức Tôn giáo Tâm lý.

Tải sách Thông Thiên Học

Xem thêm : về tác giả và các tác phẩm khác của bà Annie Besant