Hệ thống tham thiền được trình bày nơi đây với học viên nhằm phát triển con người về tinh thần, lý trí, hạnh kiểm cùng sự kiểm soát trí khôn và tình cảm. Nó không nhắm phát triển phép thần thông “từ dưới đi lên” . Nhưng nó có thể tự nhiên khêu gợi được một trực giác về tâm linh ở nơi những người nào khá nhạy cảm. Sự phát triển tâm linh này làm cho con người càng ngày càng nhạy cảm đối với hoàn cảnh xung quanh : đối với những người và những nơi chốn; con người nhớ được phần nào những kinh nghiệm của mình ở cõi Trung giới khi ngủ; Chân nhân trực tiếp điều khiển Phàm nhân một cách dễ dàng hơn; con người có thể nhìn nhận được ảnh hưởng của các Chân Sư cùng những người đã tiến hóa về tinh thần v.v. .
Người học viên đang tìm cách phát triển theo một phương pháp tích cực thì phải thận trọng xa lánh điều này : sự phát triển tính đồng bóng thụ động và tuân theo sự chỉ dẫn của một hồn ma dẫn dắt ta, đó là kết quả của lối tham thiền tiêu cực. Thí dụ như trong một số sách nói về pháp môn Du Già được sửa đổi để làm vừa lòng những người Tây phương, người học viên khi bắt đầu tham thiền nên ngước mắt lên càng cao càng hay và cứ giữ mắt ngước cao như thế mãi. Hậu quả của sự luyện tập này là bắt buộc con mắt phải cố gắng mệt mỏi và làm cho khối óc phải mệt đừ; điều này gây ra một trạng thái thụ động tự mình lại thôi miên mình (tự kỷ ám thị), kế tiếp ta có thể xuất thần phần nào và vài ba phép lạ hiện ra khi dùng một khối pha lê (cristal) thì ta cũng đạt được kết quả giống thế.
Học viên cảm thấy khá bối rối khi y biết trong một cuốn sách người ta khuyên nên mở tâm trí để đón nhận những ảnh hưởng thiêng liêng mà vẫn giữ được thái độ tích cực. Có sự khó khăn là vì người ta lầm lẫn hai giai đoạn khác biệt với nhau. Mới thoạt đầu thì cần phải có một sự cố gắng tích cực, rồi kế tiếp về sau mới là trạng thái thụ động. Sự cố gắng tích cực nhiệt liệt nâng cao lương tri lên cho nó hoạt động ở những mức độ cao của những thể vía, trí v. v . . . nói một cách khác và khi xem xét sự việc theo một quan điểm khác thì sự cố gắng nhiệt liệt này làm cho các thể vía, trí v. v. . . được điều hòa, chúng tiếp xúc với nhau cùng một nhịp điệu khiến cho ảnh hưởng cao siêu có thể tuôn chảy xuống được. Chỉ lúc đó người ta mới có thể ngừng không cố gắng vươn lên nữa và nghỉ ngơi trong niềm an lạc đã đạt được. Có thể nói rằng câu:“ mở tâm trí ra để đón nhận ảnh hưởng cao cả” chỉ có nghĩa là giữ làm sao cho tâm trí cứ ở mãi trong trạng thái an lạc tích cực và nhiệt liệt ở một mức độ cao siêu và thiêng liêng. Một hôm tác giả cuốn này được nghe thấy Ðức Giám Mục Robert Hugh Benson dùng một hình ảnh rõ rệt để làm nổi bật lên một sự việc như thế : đó là hình ảnh một con chim hải âu đang thẳng cánh lượn trên trời cao cho thật thăng bằng trước cơn giông tố. Ai nhìn chim thì tưởng chim đang thụ động, không làm gì cả và đứng im; tuy nhiên người ta biết rằng chim phải cố gắng không ngừng rất nhiều mới dang cánh ra như vậy được.
Dĩ nhiên sự yên tịnh nhiệt liệt đó là một trạng thái đạt được sau nhiều năm bền chí cố gắng, khác hẳn cái thái độ của nhiều người cứ tưởng rằng họ có thể tiến lên đến những mức độ vô cùng cao siêu thiêng liêng bằng cách nằm dài trong một cái giường êm ấm hay trong bồn tắm đầy nước nóng. Những người đó coi sự tham thiền như là sự mệt mỏi của xác thân, tư tưởng hay lười biếng vẩn vơ xung quanh một đề tài dễ chịu và yên tĩnh. Ta không thể nào chiếm đoạt nước Thiên Ðàng theo lối ấy đâu.
Muốn tham thiền thực sự, thì phải cố gắng nhiệt liệt chứ không phải là chỉ nhận thấy một sự dễ chịu nửa thức nửa ngủ với xác thân được an nghỉ; vì thế nên những ai hài lòng khi đọc qua loa những giáo lý trong các sách “tư tưởng mới” thì có thể cứ yên ổn tiếp tục lâu dài những lối luyện tập của họ như họ hằng ưa thích; nhưng ai là người muốn tập định trí một cách đứng đắn, thực sự, thì lúc mới bắt đầu không nên tham thiền lâu quá 5 hay 10 phút liên tiếp nếu không thì khối óc bị mỏi mệt. Rồi rất từ từ ta có thể nối dài sự tham thiền lên tới 15, 20 và 30 phút.
Nguồn: minhtrietmoi.org