Tóm tắt nội dung bài viết
Con người bao gồm hai phần thân và tâm. Thân và tâm tuy hai mà một, tuy một mà hai. Một vị thiền sư nói: “Thân là biểu hiện cái tâm thấy được và tâm là biểu hiện cái thân không nhìn thấy”.
Vậy làm sao kết hợp giữa việc ăn gạo lứt và ngồi thiền một cách hiệu quả?
Ảnh minh họa |
Con người bao gồm hai phần thân và tâm. Thân và tâm tuy hai mà một, tuy một mà hai. Một vị thiền sư nói: “Thân là biểu hiện cái tâm thấy được và tâm là biểu hiện cái thân không nhìn thấy”. Nuôi thân và dưỡng tâm là hai việc làm phải đi đôi với nhau và thường xuyên, không được ngắt quảng, không được dừng lại dù một giây. “Thân” là vật chất thấy được và được nuôi dưỡng bằng thức ăn. Để thân được khỏe, thân phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn tốt. “Tâm” là phi vật chất, không thấy được bằng mắt thường. Muốn dưỡng “tâm”, nhận ra “chân tâm”, trở về với cội nguồn, chúng ta phải tham thiền.
Thiền là gì?
Tham thiền có thể thực hiện khi đi, đứng, nằm, ngồi,… Trong đó cơ bản và thông dụng nhất là “ngồi thiền” hoặc “tọa thiền”. Sau đây là một số định nghĩa về thiền của các vị thiền sư:
Thiền là trạng thái thả lỏng toàn thân tâm.
Thiền là sự rõ biết mà không phải là sự tâp trung.
Thiền là từ bỏ cái tôi, là quên mình, là dứt hết tự ngã, vì chỉ có thể tìm được tất cả khi đã buông lìa mọi thứ.
Thiền là hòa mình vào vũ trụ…
Thiền là thực hành, chứ không phải lý luận, không phải là lý thuyết. Cho nên thiền không có sự nghiên cứu, mà chỉ có trải nghiệm. Hành thiền là hành pháp thuận với tự nhiên hoàn toàn, không gò bó, không bắt buộc. Có hành thiền thì mới hiểu thiền. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hành thiền mà không hiểu thiền là gì và đôi lúc hiểu sai về thiền, đó là hành thiền không đúng. Để hành thiền đúng, không bị sai lệch, chúng ta phải cầu thỉnh một vị thiền sư để cầu học đạo, để tôn làm minh sư cho mình. Thiền sư là người đã chứng thiền, đã đắc đạo, đã giác ngộ, đã tự tại với sinh tử.
Chúng ta có thể tọa thiền bất kỳ khi nào, nơi nào miễn là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Mỗi thời tọa thiền kéo dài ít nhất một tiếng và càng lâu càng tốt. Các vị tu sĩ trong chùa thường mỗi ngày tọa thiền 4 thời: sáng, chiều, tối, khuya. Mỗi thời đều trên một tiếng đồng hồ. Nhiều vị tọa thiền thay cho giấc ngủ. Các ngài bảo chỉ cần định 15 phút là bằng ngủ mấy tiếng đồng hồ. Khi định giống như tắt máy, làm cho não bộ được nghỉ ngơi hoàn toàn, do đó giúp phục hồi sinh lực rất nhanh. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có nhiều thời gian để làm việc và bớt thời gian để ngủ, bớt thời gian bị mệt mỏi.
Thời gian tọa thiền tốt là vào giấc khuya từ 3:00-5:00 sáng. Thứ nhất, giờ này là giờ của phổi theo Đông y nên giúp thải trượt khí ra ngoài. Thứ hai, giờ này rất yên tĩnh và trời đất chuyển từ Âm sang Dương nên giúp tăng cường Dương khí cho cơ thể. Giờ này thích hợp cho những người đang làm công việc kinh doanh, nhân viên văn phòng.
Một khoảng thời gian nữa mà chúng ta có thể tận dụng được là sau giờ ăn trưa, thay vì ngủ trưa thì ta tọa thiền. Ban đầu có thể chưa quen nhưng dần dần sẽ quen và tọa thiền tốt hơn ngủ rất nhiều. Trước khi đi ngủ, nên tọa thiền ít nhất 15 phút để xả hết những tà khí mà chúng ta tạo ra trong quá trình làm việc ngày hôm đó để giấc ngủ được sâu và không mộng mị. Trong ngày rất dễ tạo ra tà khí qua suy nghĩ và hành động như nóng giận, buồn lo, tham lam, suy nghĩ tiêu cực, đứng ngồi không đúng tư thế, làm việc quá sức…
Mọi người đều có thể hành thiền từ trẻ em đến người già, từ phụ nữ đến nam giới, từ người bệnh đến người khỏe mạnh, từ người ngu đến người trí.
“Tọa thiền” cũng như các pháp thiền khác như “ngọa thiền”, “hành thiền” chỉ là hình tướng, là phương tiện để đạt đến giác ngộ. Đã là phương tiện thì không nên chấp chặt vào nó. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Thiện tri thức, sao gọi là TỌA THIỀN? Trong pháp môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi gọi là TỌA, bên trong thấy tự tánh chẳng động gọi là THIỀN. Thiện tri thức, sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Bên ngoài lìa tướng là THIỀN, bên trong chẳng loạn là ĐỊNH. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp cảnh thành loạn, nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là CHƠN ĐỊNH vậy.” Lời của Tổ mới là chính yếu của thiền.
Thực dưỡng tác động đến người hành thiền
Mục đích của hành thiền là khai mở trí tuệ, làm mất bản ngã và hòa nhập vào vũ trụ. Mục đích của thực dưỡng là khang kiện sức khỏe, phát triển trí phán đoán tối cao (trí tuệ) và thấu hiểu trật tự vũ trụ. Hai mục đích này không khác nhau. Người sáng lập ra phương pháp thực dưỡng là tiên sinh Ohsawa đã đạt được mục đích này. Tiên sinh hiểu được rằng mọi người sẽ đạt được mục đích này thông qua con đường ăn uống nên đã cổ xúy mọi người áp dụng thực dưỡng.
Thực dưỡng chú trọng đến việc ăn uống và lối sống thuận với thiên nhiên và quân bình Âm Dương. Gạo lứt và ngũ cốc là thức ăn quân bình Âm Dương một cách tự nhiên nên được sử dụng làm thức ăn chính trong thực dưỡng và được tổ tiên sử dụng từ xa xưa. Cơ thể khỏe mạnh là cơ thể đạt mức quân bình Âm Dương. Cơ thể bệnh tật là cơ thể hoặc lệch về Âm hoặc lệch về Dương. Thức ăn quân bình sẽ giúp cơ thể tạo được quân bình hoàn hảo, tức giúp cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn.
Thân và tâm tuy hai mà một, nên những thay đổi của thân sẽ tác động đến tâm và ngược lại. Thân đạt được quân bình thì dễ dàng giúp tâm đạt được trạng thái Định, trạng thái quân bình. Tâm nghĩ thiện là lệch về Dương; tâm nghĩ ác là lệch về Âm; tâm không nghĩ thiện cũng không nghĩ ác là tâm quân bình, tâm ngộ đạo. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đã khai thị Huệ Minh bằng câu hỏi: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Nhờ câu khai thị này mà ngài Huệ Minh đại ngộ, hòa nhập vào vũ trụ.
Tại sao con người khôn hơn con vật? Chính là nhờ con người biết chọn thực phẩm quân bình tự nhiên là ngũ cốc, gạo lứt. Nói đúng hơn là con người được ân huệ của tạo hóa ban cho thức ăn quân bình. Nhờ ăn thực phẩm quân bình, con người khai mở và phát triển trí tuệ, rồi hòa nhập vào vũ trụ. Các loại động vật khác ăn thực phẩm mất quân bình nên không khai mở trí tuệ được. Ví dụ, con cọp ăn thịt, thực phẩm thuộc dương. Con bò ăn cỏ, thực phẩm thuộc âm.
Chúng ta là con người rồi, nhưng ăn thực phẩm mất quân bình thì không có trí tuệ được. Chẳng hạn, trái cây và đường là những thực phẩm thịnh Âm, chúng ăn nhiều những thực phẩm phẩm này sinh ra bệnh giảm trí nhớ, tiểu đường. Đặc biệt, rượu bia là thức uống thịnh âm nhiều hơn nữa nên khi uống vào ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh ngay, gây mất tự chủ về hành vi và thậm chí gây mất mạng. Trứng là thực phẩm thịnh Dương, ăn nhiều trứng sẽ gây bệnh cho hai bộ phận gan và thận và ăn nhiều vượt ngưỡng sẽ gây tử vong.
Ăn thực phẩm mất quân bình đều gây bệnh cho cơ thể. Cơ thể bị bệnh sẽ gây loạn tâm. Cái đầu đang nhức, cái bụng đang đau, cái mũi đang bị nghẹt thì làm sao ngồi thiền được, làm sao định tâm được. Trong trường hợp thực phẩm mất quân bình chưa gây ra bệnh thì chúng cũng gây loạn tưởng cho người ngồi thiền. Những loạn tưởng sẽ kéo người ngồi thiền đi vào chỗ mơ mờ, bị suy nghĩ miên man dắt đi một hồi lâu mới giật mình tỉnh lại, vài lần như vậy là dẫn đi hết một thời thiền. Có người sẽ chìm vào hôn trầm, tức ngủ gật.
Nhờ quân bình, gạo lức hoặc ngũ cốc mới khai thông hệ thống kinh mạch và huyệt đạo. Khi kinh mạch thông suốt và huyệt đại khai mở, chúng ta nhận được nhiều năng lượng khí từ vũ trụ. Đây là con đường cơ thể (tiểu vũ trụ) giao tiếp với thế giới tự nhiên bên ngoài và từ từ hòa nhập vào đại vũ trụ.
Ăn uống đúng đóng một vai trò quan trọng đối với người hành thiền. Đặt biệt, trong các thiền viện của Nhật Bản rất chú trọng phần này. Trong quyển Chân Thiền do ông Ngô Thành Nhân và ông Trần Đình Cáo dịch Việt, có lại hai câu của Đại sư Dogen, Chùa Eihei (Chùa Vĩnh Bình): (1) Phải thấm nhuần tư tưởng: thực phẩm mà ta hấp thụ có tác dụng đối với cơ thể như một món thuốc, và nhờ ăn uống đúng đắn, chúng ta chữa được bạc nhược, ốm đau. (2) Nhờ ăn uống đúng phép, chúng ta giác ngộ, đắc quả Bồ Đề.
Người hành thiền nên để tâm đến phép ăn uống đúng đắn. Gạo lức và ngũ cốc là lựa chọn khôn ngoan. Trong các Kinh Phật, khi đề cập đến thức ăn, thường nhắc đến gạo, hạt lúa, hạt đậu, hạt mè.