(The voice of the silence)
Tác giả: H. P. BLAVATSKY
Dịch giả: NGUYỄN VĂN NHUẬN
Xem thêm
Tóm tắt nội dung bài viết
PHẦN THỨ BA
BẢY TỪNG CỬA ĐẠO
196. “Bạch Sư Phụ (Upàdhya) (1) ý con đã quyết, con khao khát sự Minh Triết. Bây giờ Sư Phụ đã xé tan bức màn che trước con Ðường Bí Mật và dạy Pháp đại thừa Yana (2). Con nguyện một lòng vâng theo lời Sư Phụ chỉ dạy”.
197. Được lắm, Thinh Văn (3) con hãy chuẩn bị đi, bởi vì con phải khởi hành một mình. Thầy chỉ có thể chỉ đường cho con mà thôi. Đối với mọi người con đường có một, nhưng những phương tiện để đạt mục đích phải thay đổi tùy mỗi kẻ Hành Hương.
198. Con lựa con Ðường nào, hỡi con người có hùng tâm đại chí ? Bốn bực Thiền Định của Nhãn Pháp (Samtan) (4) ? Hay là con đường Ba la mật đa (5) có sáu hạnh, sáu cửa đức hạnh đó dắt đến Bồ Đề và đến Prajna, nấc thứ bảy của Minh Triết ?
199. Con đường gay go của bốn bực thiền định quanh co khúc khuỷu và dốc đứng. Kẻ leo lên được đến đỉnh chí cao của con đường này quả thật là vị Ðại Sĩ.
200. Muốn đến đỉnh các Ba la mật đa con phải trải qua một con đường gay go hơn nữa. Con phải mở một con đường xuyên qua bảy cửa có những Hung Thần đa mưu, túc trí, hiện thân của dục vọng đóng giữ.
201. Hãy can đảm lên, hỡi đệ tử, con hãy nhớ lấy luật vàng. Một khi con đã vượt qua cửa Srotàpatti (6) “nhập lưu”, một khi con đã bước vào lòng sông dắt đến Niết Bàn trong kiếp này hay trong một kiếp tới, con sẽ còn luân hồi bảy kiếp nữa thôi [16], hỡi con người có Ý Chí cứng rắn như kim cương.
202. Con hãy xem dưới mắt con có những gì, hỡi kẻ có chí nguyện đạt đến Minh Triết của bậc thần tiên ?
203. “Màn hắc ám, bao trùm vật chất, con đang vùng vẫy trong những lằn xếp của bức màn đó. Bạch Sư Phụ ! mắt con nhìn thấy hắc ám càng sâu càng dầy, bàn tay của Sư Phụ vẹt tan hắc ám. Một cái bóng cử động bò đi giống hình uốn khúc của một con rắn vươn dài ra… Nó lớn thêm, phồng to và biến mất trong bóng tối”.
204. Ðó chính là cái bóng của con ở bên ngoài Ðường Ðạo, dọi lên tội lỗi đen tối của con đó !
205. “ Bạch Sư Phụ, con nhìn thấy con Ðường, chân nó ở trong bùn, đỉnh nó chìm trong ánh vinh quang của Niết Bàn. Và bây giờ con thấy mấy cái Cửa hẹp trên con đường gập ghềnh, chông gai đi đến Jnàna” [17].
206. Con thấy đúng đó, hỡi đệ tử. Mấy cửa đó dắt kẻ chí nguyện vượt qua giòng nước “đến bờ bên kia” (7). Muốn mở mỗi cửa phải có một chìa khóa vàng, những chìa khóa đó là :
207. 1. Dàna, chìa khóa bố thí và từ bi vô tận.
208. 2. Shila, chìa khóa điều hòa trong lời nói và việc làm, chìa khóa làm cho thăng bằng Nhân và Quả, không còn gây Nghiệp nữa.
209. 3. Kshànti, đức nhẫn nhục dịu dàng, không gì làm cho phật lòng được.
210. 4. Viràga, thản nhiên đối với sự vui và sự khổ, thấy rõ ảo ảnh, nhận được chân lý.
211. 5. Virya, đại hùng đại lực mở đường thẳng đến Chân lý siêu việt, ngoài vòng bùn lầy của những giả dối trần gian.
212. 6. Phyana, cửa vàng này một khi đã được mở ra sẽ dẫn vị Valjor [18] đến cõi Sat trường tồn và sự đắm mình thường xuyên nơi cõi đó.
213. 7. Prajnà, chìa khóa này làm cho con người thành một bực thần tiên và đào tạo người thành bực Bồ Tát, con của Dhyànis.
214 . Ðó là chìa khóa vàng mở mấy Cửa.
215. Trước khi đến gần cửa chót, hỡi kẻ ra tay đào tạo sự tự do của mình, con phải chiếm đoạt – dài theo con đường khổ nhọc – những Pàramitàs hoàn thiện đó, những đức tính siêu việt kể ra có sáu và mười [19].
216. Hỡi đệ tử, bởi vì trước khi để cho con gặp được Sư Phụ con, mặt đối mặt, ánh sáng đối ánh sáng, người ta đã nói gì với con.
217. Trước khi có thể đến gần cửa thứ nhất con phải tập tách riêng thân con ra ngoài trí con, phá tan bóng tối và sống trong trường tồn. Muốn được thế con cần phải sống và thở trong tất cả, cũng như tất cả những gì con nhận thấy đều thở trong con, con phải cảm thấy con ở nơi mọi vật, và mọi vật trong Ðại Ngã.
218. Con chớ để cho giác quan của con lấy cái trí con làm chỗ chơi đùa, nhảy nhót.
219. Con không được tách riêng con người của con với Bản Thể và vạn vật, mà con rót Biển Cả vào trong giọt nước, giọt nước vào trong biển cả.
220. Như thế con sẽ hoàn toàn hòa hợp với mọi sinh vật, con hãy thương yêu người như họ là sư huynh, sư đệ của con, là học trò đồng chung một Sư Phụ, con đồng chung một mẹ hiền.
221. Có nhiều Sư Phụ trong đó Hồn Mẹ (8), Alaya Hồn Vũ Trụ là một, con hãy sống trong Ðức Sư Phụ đó cũng như tia sáng của người sống ở nơi con, hãy sống nơi đồng loại của con, cũng như họ sống nơi Người.
222. Trước khi để được bước đầu vào Ðường Ðạo, trước khi vượt qua cửa thứ nhất, con phải hỗn hợp hai vào trong Một và hy sinh tư ngã cho Chơn Thần Vô Ngã và do đó phá bỏ con đường ở giữa đôi bên – Antahkarana (9).
223. Con phải chuẩn bị để trả lời với Dharma, luật nghiêm khắc, tiếng nó sẽ thốt lên để hỏi con ở đầu đường, ở bước thứ nhất :
224. “Người đã làm đúng các qui điều chưa ? Hỡi người có những ước vọng cao siêu ?”.
225. “Người có làm sao cho tâm và trí của người hòa nhịp với trí và tâm của tất cả nhân loại chăng ?” Bởi vì, cũng như tiếng gầm thét của con Sông Thánh ứng đáp tất cả những âm thanh của Vạn Vật (10), tâm của “Kẻ muốn nhập lưu” phải rung động đáp lại mọi tiếng thở than, mọi tư tưởng của những gì có sống và có thở.
226. Người ta có thể ví các đệ tử như những sợi dây của cây đàn Vina, gợi những tiếng vang nơi tâm hồn; nhân loại như phím đàn và bàn tay lướt nhẹ trên đó như hơi thở điều hòa của Ðại Hồn Thế Giới. Sợi dây nào không thể đáp lại ngón tay của Sư Phụ, không thể rung động điều hòa với tất cả mấy dây khác sẽ đứt, và sẽ bị tháo bỏ. Tinh thần chung hợp của các Ðệ tử Thinh Văn cũng thế, tất cả phải hòa hợp với tinh thần của Sư Phụ, hợp làm một với Hồn Siêu Việt hay là phải tan nát.
227. Ðó là tình cảnh của những “Ðạo Hữu trong Bóng Tối”, những kẻ giết chết Linh Hồn họ, phái Dad Duapa (11) mà người ta rất sợ.
228. Con đã hòa hợp con người con với sự đau khổ lớn lao của Nhân Loại chưa ? Hỡi cử tử muốn vào trong ánh sáng ?
229. Con đã làm rồi ? Con có thể vào. Tuy nhiên, trước khi đặt chân trên con đường đau khổ, con cũng nên biết trước những hang lỗ bùn lầy của con đường đó.
230. Có được chìa khóa bố thí, bác ái và thương yêu, dịu dàng, con có thể yên lòng trước cửa Dàna, cửa dựng lên ở đầu Ðường Ðạo.
231. Hỡi kẻ hành hương hữu phúc ! Con hãy xem cái cửa trước mặt con cao và rộng và dường như rất dễ đi vào. Con đường đi ngang qua đó thẳng ngay, trơn láng và xanh tươi giống như một khoảng rừng thưa có ánh nắng, giữa cảnh rừng già tối mịt, một điểm của cực lạc quốc của Phật A Di Ðà phản chiếu xuống trần gian. Nơi đây, những chim quyên của hy vọng, những chim cánh lông rực rỡ, hót trong những chòm cây xanh tươi, tán tụng sự thành công của những kẻ hành hương dũng cảm. Chúng tưng bừng ca hát năm hạnh của các vị Bồ Tát, năm ngọn suối Bồ Ðề mạnh mẽ và bảy bước trong đường trí thức.
232. Con hãy đi qua ! Con đã có chìa khóa, con được an toàn.
233. Và từ đó đến cửa thứ nhì, con đường cũng còn xanh tươi nhưng dốc đứng và khúc khuỷu; thực thế, con đường đến ngọn núi đầy đá nhấp nhô, những đám mây xám ngắt lơ lửng trên triền gồ ghề và xa nữa, tất cả đều đen tối. Hành giả càng đi tới, tiếng hát hy vọng càng nghe yếu lần trong tâm. Bấy giờ sự hoài nghi làm cho hành giả rùng mình, chân bước không được vững vàng như trước nữa.
234. Hãy đề phòng, hỡi cử tử ! Hãy đề phòng sự lo sợ nó giống như con dơi bay lúc nửa đêm, giương đôi cánh đen, im lìm chắn ngang giữa ánh trăng trong của Tâm Hồn con và mục tiêu vĩ đại lờ mờ ở tận đằng xa.
235. Hỡi đệ tử, sự lo sợ làm tiêu tan ý chí và tê liệt mọi hành động. Nếu thiếu hạnh Shila con sẽ vấp vào những đá sỏi Nhân Quả làm trầy trụa chân con trên con đường gồ ghề, khổ nhọc.
236. Hãy bước cho vững, hỡi cử tử. Hãy tắm Hồn con trong nước hương Kshanti [20], bởi lúc này đây con đã đến gần cửa có tên này, cửa dũng cảm và nhẫn nại.
237. Con chớ phút nào nhắm mắt, phải trông chừng cây gậy phép Dorje (12) những mũi tên của Ma Vương luôn luôn bắn ngã kẻ không đạt được Viraga (13).
238. Chớ run rẩy, dưới làn hơi của sự lo sợ chìa khóa Kshanti sẽ sét. Chìa khóa sét sẽ mở không được cửa.
239. Con càng đi tới, chân con sẽ càng gặp hang lỗ bùn lầy. Con đường của con đi, được soi sáng bởi một ngọn lửa, ngọn lửa dũng cảm đang cháy trong tim. Người càng gan dạ sẽ càng tiến, người càng sợ thì ánh sáng càng mờ và chỉ có ánh sáng mới có thể dẫn dắt con người đi tới. Cũng giống như tia sáng buổi chiều còn sót lại trên đỉnh núi cao, một khi tia sáng bặt đi là đêm tối tới nơi, cũng thế, khi ánh sáng trong tâm tắt mất thì một bóng tối đen dày đặc và đáng sợ sẽ từ trong Chính tâm con dọi trên đường đi, và sự hãi hùng sẽ gắn dính chân con tại chỗ.
240. Hỡi đệ tử, hãy đề phòng cái bóng đó. Không một tia sáng nào của Tinh Thần có thể phá tan cảnh hắc ám của Iinh Hồn ở phía dưới trừ phi mọi tư tưởng ích kỷ đều dang ra hết và kẻ hành hương nói: “Tôi đã từ bỏ cái hình bóng đang qua này, tôi đã phá tan nguyên nhân, nhân đã tiêu thì quả là những bóng tối dọi ra đó cũng không còn nữa.” Bởi vì đây đã đến trận đại chiến cuối cùng, trận tranh phong quyết liệt giữa cái Ta Cao Siêu và cái Ta Thấp Kém. Con hãy xem, chính bãi chiến trường bây giờ đã bị trận đại chiến thôn tính và không còn nữa.
241. Nhưng một khi vượt qua được cửa Kshanti, bước thứ ba của con đã xong. Xác thân của con là tôi tớ của con. Bây giờ con hãy chuẩn bị để qua cửa thứ tư, cửa có nhiều cám dỗ làm say mê con người bên trong.
242. Trước khi con có thể đến gần mục đích này, trước khi đưa tay mở khóa cửa thứ tư, con phải chế ngự mọi sự biến đổi của cái trí ở nơi con và tiêu diệt đạo quân tư tưởng cảm giác vừa tinh tế vừa giảo quyệt âm thầm len lỏi vào trong thánh đường sáng rỡ của Tâm Hồn.
243. Nếu con muốn khỏi bị hại thì con phải biết un đúc bầy con của con tạo ra sao cho được hiền lương, những đứa con đẻ của tư tưởng con, tuy không thấy được, không rõ được nhưng cả đoàn cả lũ quây quần xung quanh nhân loại, chúng là những con cái, những kẻ thừa kế của con người. Con phải nghiên cứu cho rành sự trống rỗng của cái dường như đầy đủ, sự đầy đủ của cái dường như trống rỗng. Hỡi Kẻ hữu chí can đảm ! Hãy xem kỹ tận đáy lòng con sâu thẳm và trả lời. Con có biết những uy lực của Chơn Ngã chăng. Hỡi kẻ đã nhận thấy những bóng tối bên ngoài ?
244. Nếu con chưa biết, thật nguy cho con.
245. Bởi vì trên đàng thứ tư, một ngọn gió thoáng qua cửa nhiệt vọng hoặc tham dục cũng sẽ lay chuyển ánh sáng yên tĩnh trên vách trắng tinh và trong sạch của Tâm Hồn. Một gợn sóng li ti của mong mỏi hay luyến tiếc đối với mồi danh, bả lợi của Ma Vương chạy dài theo Antahkarana, con đàng nối liền Tinh Thần của con với bản ngã của con, đại lộ của cảm giác, cái kích thích Ahamkara (14), một tư tưởng dầu lẹ như chớp cũng sẽ làm cho con mất hết ba phần thưởng trước mà con đã được.
246. Bởi vì con hãy biết Ðấng Vĩnh Cửu không biết sự thay đổi là gì ?
247. “Con hãy bỏ hết tám thứ khổ nàn, bằng không con không thể nào đạt đến minh triết, cũng không thể nào đạt đến giải thoát”, đó là lời của Ðức Thế Tôn, Ðức Như Lai trọn lành, “Ðấng đã theo dấu các bậc đi trước Ngài (15).
248. Hạnh Viraga rất nghiêm khắc và đúng mực. Nếu con muốn được bảo đảm trên con đường này con phải giữ thần trí, và tri giác của con trong sạch hơn trước, sạch hết mọi hành động bại hoại.
249. Con phải thấm nhuần Alaya tinh khiết hợp làm một với Tư Tưởng Linh Hồn vạn vật, nếu con hợp một với nó, thì không gì thắng được con, phân ly với nó, con sẽ là sân chơi của Samvritti (16) là nguồn gốc của tất cả ảo mộng của đời.
250. Tất cả đều vô thường nơi con người ngoại trừ cái tinh hoa trong sạch, sáng ngời của Alaya. Con người là một tia trong suốt của nó, một làn ánh sáng tinh khiết ở bên trong, một hình tướng bằng tro bụi ở bên ngoài. Tia sáng đó là người hướng đạo cuộc đời của con và là Chân Ngã của con, là Ðấng Im Lặng Suy Nghĩ và Canh Chừng, nạn nhân của cái ta ty tiện của con. Linh Hồn con chỉ có thể bị thân hình vô minh của con làm tổn hại thôi, con hãy điều khiển và chế ngự cả hai, như thế con sẽ có thể vượt qua một cách bình an cái cửa “Thăng Bằng” sắp tới.
251. Hãy can đảm lên hỡi kẻ hành hương có đại chí muốn đến bờ bên kia, con chớ nghe những lời quyến rủ đường mật của lũ bộ hạ của Ma Vương thủ thỉ bên tai con, hãy tránh xa những tay cám dỗ đó và các hung thần, ác quỉ ganh gổ Lhamayin (17) trong không gian vô tận.
252. Hãy vững vàng, bây giờ con gần đến cửa giữa, cửa Ðau Khổ có muôn ngàn cạm bẫy.
253. Hãy làm chủ tư tưởng của con, hỡi kẻ phấn đấu để tranh sự toàn thiện, nếu con muốn vượt qua cửa đó.
254. Hãy làm chủ hồn con, hỡi kẻ đi tìm những chân lý bất tử, nếu con muốn đạt đến mục đích.
255. Hãy tập trung con mắt của Linh Hồn vào Ánh Sáng Duy Nhất Tinh Khiết, cái Ánh Sáng không thứ gì kích thích được và đem chìa khóa vàng của con ra mà dùng.
256. Công việc khó khăn đã xong, việc nhọc nhằn của con đã gần mãn, cái hố rộng há miệng để nuốt con đã vượt qua khỏi.
257. Bây giờ con đã qua khỏi hào thành bao quanh cửa Nhân dục, bây giờ con đã thắng được Ma Vương và lũ bộ hạ hung hăng của nó.
258. Con đã rửa tâm con sạch hết vết nhơ, và con đã nặn ra hết máu dục vọng ô trược. Nhưng mà hỡi kẻ chiến thắng vinh diệu, công việc con chưa hết đâu. Hãy xây cao vách tường chung quanh Thánh Ðảo [21], cái đập giữ cho trí con khỏi tính kiêu căng và tự mãn vì cho rằng chiến công đã đạt được rồi.
259. Một ý niệm kiêu căng sẽ làm hư hại công trình. Bởi thế hãy xây đắp cho thật chắc vì e sợ những lượn sóng dữ dội từ biển cả của Ma Vương bao trùm vũ trụ, ào đến đập vào bờ của con, cuốn mất luôn kẻ hành hương và thánh đảo dầu khi đã thắng trận rồi cũng vậy
260. Ðảo của con là con nai, tư tưởng của con là bầy chó, cứ rượt nó mãi trong khi nó chạy đến giòng sông của Sự Sống. Rất nguy cho nai nếu bầy chó quỉ theo kịp nó, trước khi nó đến nơi Trú ẩn gọi là “con đường hiểu biết trong sạch” Jnàna Màrga.
261. Trước khi con có thể ở trong Jnàna Màrga (18) và gọi nó là con đường của con, Linh Hồn con phải trở nên như trái xoài chín, phải ngọt dịu như thịt trái xoài vàng tươi đẹp đối với những đau khổ của kẻ khác, cũng phải cứng rắn như hột xoài đối với những nỗi sợ hãi, buồn khổ của chính con, hỡi kẻ chinh phục sự Sướng và sự Khổ.
262. Phải luyện cho Linh Hồn con cứng như đá để chống lại những cạm bẫy của bản ngã, phải làm cho nó xứng danh là “Linh Hồn Kim Cương”(19).
263. Bởi vì, giống như viên kim cương chôn sâu trong lòng đất không thể nào phản chiếu được ánh sáng trần gian, Linh Hồn và trí con khi đã chìm sâu trong Jnàna Màrga cũng không thể phản chiếu được một ảo cảnh nào của Ma Vương.
264. Khi con đạt đến trạng thái đó, thì những Cửa mà con phải vượt qua sẽ mở rộng cho con qua, và những uy quyền to tát của Thiên Nhiên cũng không ngăn cản con được. Con sẽ làm chủ con Ðường bảy ngả, nhưng trước khi đạt đến địa vị đó thì không thể được, hỡi cử tử của những cuộc thi khó khăn không thể nói.
265. Từ đây đến đó, một công việc quá sức khó khăn đang chờ con, con phải cảm biết chính con là Tất Cả Tư Tưởng, và đồng thời phải đuổi tất cả tư tưởng ra ngoài Linh Hồn con.
266. Con phải đạt đến trạng thái cố định trí con vào một nơi mà không một luồng gió mạnh nào có thể đưa một tư tưởng phàm tục vào tới được. Dọn sạch như thế, thánh đường phải thật trống rỗng không còn một hành vi, một âm thanh, một ánh sáng trần gian nào, cũng như con bươm bướm gặp phải gió lạnh té chết nơi ngưỡng cửa, tất cả tư tưởng phàm tục phải té chết trước thánh đường.
267. Kinh Bhagavad Gita có nói:
“Trước khi ngọn lửa vàng có thể cháy sáng rực rỡ, cái đèn phải để trong một chỗ kín đáo không có gió thổi đến, đèn đặt nơi có gió thổi qua, thì tia lửa rung rinh phản chiếu những hình sai lạc, đen tối, biến đổi mãi trên thánh đường trong trắng của Linh Hồn.
268. Và khi đó, hỡi kẻ theo đuổi chân lý, hồn con sẽ trở nên điên cuồng như con voi hoảng kinh làm dữ trong rừng. Lầm tưởng cây rừng là kẻ nghịch nó, phải bỏ mạng trong khi đâm đầu chém giết những bóng cây lung lay dọi lên vách đá phơi mình dưới bóng mặt trời.
269. Hãy đề phòng, e rằng vì quá lo lắng cho Chơn Ngã mà Linh Hồn con phải hụt chân trên mảnh đất tri thức của Deva.
270. Hãy đề phòng, e rằng lãng quên Chơn Ngã hồn con sẽ uy quyền kiểm soát cái trí rung rẩy và như thế mất hưởng cái quả chính đáng của công lao chiến thắng.
271. Hãy đề phòng sự thay đổi, bởi sự thay đổi là đại thù của con đó. Sự thay đổi sẽ tấn công con, sẽ đẩy con ra khỏi con Ðường mà con đang sấn bước, sẽ hất con xuống đầm lầy của tính hoài nghi
272. Con hãy chuẩn bị và hãy nghe lời cảnh cáo, nếu con rán sức mà con thất bại thì hỡi chiến sĩ dũng cảm con chớ ngã lòng, hãy tiếp tục chiến đấu mãi và trở lại xáp trận lần nữa và lần nữa.
273. Vị chiến sĩ can đảm dầu khi đã bị thương máu chảy cũng cứ tấn công kẻ nghịch, sẽ đuổi nó ra khỏi đồn lũy của mình và thắng nó trước khi tắt hơi bỏ mạng. Hãy làm như vậy hỡi các đệ tử thất trận và đau khổ, hãy hành động giống như chiến sĩ đó, và hãy đuổi ra khỏi thành lũy của Linh Hồn mình tất cả quân thù – tham-vọng, sân hận, thù oán và cho đến một bóng phớt qua của dục vọng – dầu khi các đệ tử đã thất trận.
274. Con hãy nhớ, hỡi kẻ đang chiến đấu để giải thoát nhân loại (20), mỗi sự thất bại là một sự thành công và với thời gian mỗi sự gắng sức thành thật sẽ được thưởng công. Những mầm thiêng nảy tược, đâm chồi một cách vô hình trong hồn người đệ tử, những chồi đó mỗi lần trải qua cuộc thử thách là mỗi lần được cứng cáp thêm, chúng cong mình như cây sậy nhưng không gãy mà cũng không chết. Nhưng khi ngày giờ đến, chúng sẽ trổ bông (21).
275. Nhưng nếu con đã chuẩn bị thì bây giờ con chớ lo ngại gì cả.
276. Từ đây con đường của con đã quang đãng đi ngay đến cửa Virya, cửa thứ năm trong bảy cửa. Bây giờ con đang ở trên con đường dắt đến bến Dhyàna, cửa thứ sáu, Cửa Bồ Ðề.
277. Cửa Dhyàna giống như một cái bình bằng bạch ngọc trắng tinh và trong suốt, trong đó một ngọn lửa vàng cháy mạnh mẽ, ngọn lửa Bát nhã dọi ánh Atman.
278. Con là cái bình đó.
279. Con đã đoạn tuyệt với những đối tượng của giác quan, đã trải qua “con Ðường Nghe” và “con Ðường Thấy” và con đứng vững trong ánh sáng Tri Thức. Bây giờ con đã đạt đến trạng thái Titiksha (22)
280. Hỡi Noljor, con đã được bình an.
281. Con hãy biết, hỡi kẻ chinh phục tội lỗi, một khi người Sowani (23) đã đi qua con đường thứ bảy, vạn vật run sợ một cách vui sướng và phục tùng. Ngôi sao bạc lấp lánh thông báo tin lành cho những đóa hoa nở ban đêm, suối chảy thông báo cho đá sỏi, lượng sóng âm u gầm thét thông báo cho những cụm đá to đầy những đá ngầm bao bọc, ngọn gió nồng nặc mùi hương thông báo cho những thung lũng nhỏ và những cây thông oai vệ rì rào bí mật: “một Ðức Thầy đã tiến lên, một Ðức Thầy của Ngày Nay” (24).
282. Bây giờ người đứng như một cây trụ trắng ở phương tây, trên mặt trụ ánh thái dương buổi bình minh của tư tưởng trường tồn rọi lên những luồng sáng rực rỡ đầu tiên. Trí của người giống như mặt biển yên tịnh không bờ bến mênh mông trong không gian vô tận. Người nắm quyền sinh, tử trong bàn tay mạnh mẽ của người.
283. Thật thế, người mạnh mẽ lắm, quyền lực sống động đã được biểu lộ nơi người, quyền lực ấy chính là người, có thể xây đài mộng huyễn cao vượt lên hơn cõi chư thiên, cõi Ðại Phạm Thiên và Ðế Thích. Bây giờ người sẽ chắc chắn chiếm được phần thưởng to tát.
284. Phải chăng người sẽ không dùng những phần thưởng đó cho sự yên nghỉ và hạnh phúc của người, cho sự sung sướng và vinh diệu của người, hỡi người chiến thắng đại Ảo Mộng ?
285. Không, hỡi cử tử muốn tìm tri thức bí ẩn của Thiên Nhiên ! Nếu con người muốn nối gót Như Lai thì những phần thưởng và quyền lực đó không phải để cho mình hưởng.
286. Con muốn đắp đập để ngăn dòng nước dưới núi Sumeru (25) lại chăng ? Con sẽ xoay chiều đổi hướng dòng nước chảy về con chăng ? Hay là con sẽ cho dòng nước chảy trở về nguồn của nó thuở ban đầu ?
287. Nếu con muốn cho con sông tri thức đã chiếm được một cách khó nhọc đó, con sông minh triết có nguồn nơi thượng giới còn là một giòng nước mát ngọt lưu thông thì chớ để cho nó thành ra ao tù nước đọng.
288. Con nên biết nếu con muốn cộng tác với Phật A Di Đà vô luợng thọ thì con phải rót ánh sáng đã thu thập được giống như hai vị Bồ Tát (26) cho khắp cả ba cõi (27).
289. Con nên biết rằng giòng tri thức phi phàm và Thiên triết mà con đã chiếm được phải tự nơi con chảy vào một lòng sông khác, con chỉ làm con kinh của Alaya thôi.
290. Con hãy biết hỡi Noljor của con đường Bí Mật, dòng nước tinh khiết và mát mẽ phải làm cho dịu bớt những lượn sóng đắng cay của Biển cả – biển khổ do nước mắt của loài người tạo ra.
291. Hỡi ôi ! Một khi con đã trở nên như một ngôi sao ở tận trời xanh, thì ngọn đèn trời đó phải chiếu sáng cho tất cả trừ ra cho mình con : ban ánh sáng cho tất cả mà đừng lấy của một ai.
292. Hỡi ôi ! Một khi con đã trở nên như tuyết sạch giá trong nơi các thung lũng của núi non, rờ thì lạnh lẽo, vô tình nhưng ấm áp và che chở cho hột giống yên giấc trong lòng của nó, chính bây giờ tuyết phải lãnh lấy nước đông cắt thịt, gió bấc thấu xương để che chở cho đất khỏi nanh vuốt bạo tàn, đất đó có chứa mùa màng đầy hứa hẹn, mùa màng đó sẽ nuôi kẻ đói.
293. Tự buộc mình sống qua những Kalpas [22] sắp tới, mà không được người biết ơn và nhận thấy, đứng trơ như một hòn đá giữa vô số hòn đá khác, hợp thành “Bức Tường Bảo Vệ” (28) đó là tương lai của con nếu con qua khỏi cửa thứ bảy. Tường đó tạo dựng do những bàn tay của rất nhiều Ðức Thầy Từ Bi, xây đắp bởi những thống khổ, củng cố bởi xương máu của mấy Ngài, bức tường bao bọc nhân loại từ thuở con người thoát kiếp thú và che chở cho con người khỏi bị khốn khổ nhiều hơn nữa, và khỏi nhữïng đau đớn thống thiết hơn nữa.
294. Tuy nhiên, con người không thấy sự đó, con người sẽ không nhận thức sự đó và cũng không để ý đến lời sáng suốt, bởi vì con người không biết điều đó.
295. Nhưng con đã nghe và biết tất cả, hỡi kẻ có tâm hồn nồng nhiệt và không quỉ quyệt, con phải chọn lấy. Ðây con hãy nghe thêm:
296. Trên con đường Sowan, hỡi Srotàpatti [23], con đã được ổn định, thật thế trên Marga [24] này kẻ hành hương mệt mỏi chỉ gặp cảnh tối tăm, tay bị gai cào chảy máu, chân bị đá nhọn cắt đứt. Ma Vương tấn công với những khí giới quá lợi hại – bên kia con đường một phần thưởng lớn lao đang chờ sẵn.
297. Bình tĩnh và không đổi chí, kẻ hành hương cố lướt tới, theo giòng sông đưa đến Niết Bàn. Người biết rằng chân càng chảy máu bao nhiêu thì người sẽ càng gội sạch bấy nhiêu. Người biết rằng sau bảy kiếp luân hồi ngắn ngủi và mau lẹ, Niết Bàn sẽ ở trong tay ngươi.
298. Đó là con đường Dhyana, bờ bến của nhà Yogi, mục đích mà vị Srotàpatti mong mỏi.
299. Nhưng khi con đã đi qua con đường ấy và đến con đường của vị La Hán thì mục đích không phải như thế đâu.
300. Nơi đó Klesha (29) đã hoàn toàn tiêu diệt gốc rễ của Tanhà (30) đã nhổ sạch, nhưng đệ tử, con hãy nghe thêm một lời nữa, con có thể nào diệt lòng từ bi thiêng liêng không ? Từ bi không phải là một tánh phụ thuộc. Ðó là Pháp của các Pháp luật điều hòa vĩnh viễn của Alaya; một tính chất đại đồng không bờ bến, ánh sáng của Công lý trường tồn, thích đáng với mọi sự, mọi vật, luật bác ái vô thỉ vô chung.
301. Con càng hợp làm một với lòng từ bi, con người của con càng tan trong Bản Thể của nó, Linh Hồn con càng hợp nhất với cái Hằng có thì con sẽ càng trở nên Từ Bi Tuyệt Ðối (31).
302. Đó là con đường Arya, con đường của Chư Phật trọn lành.
303. Tuy nhiên, ý nghĩa của lời lẽ trong kinh thánh như thế nào, khi trong đó bảo con nói ?
304. “Om ! Tôi tin rằng không phải tất cả các vị La Hán đều hưởng quả ngọt của Niết Bàn.”
305. Om ! “Tôi tin rằng không phải tất cả Chư Phật (32) đều nhập Niết Bàn Dharma”.
306. Thật thế, trên con đường Arya con không còn là Srotàpatti nữa, con là một vị Bồ Tát, con đã qua sông. Quả nhiên là con có quyền lãnh áo Dharmakàya; nhưng kẻ lãnh áo Sambhogakàya cao hơn vị sống trong Niết Bàn; và vị lãnh áo Nirmanakàya, vị Phật Từ Bi lại còn cao thượng hơn nữa (34).
307. Bây giờ con hãy cúi đầu và nghe cho rõ hỡi vị Bồ Tát, lòng Từ Bi thốt lên và nói: “Ðâu có thể nào hưởng hạnh phúc được khi mà chúng sanh đương chịu đau khổ ? Người có đành giải thoát và nghe cả thế giới rên siết sao ?”
308. Bây giờ con đã nghe được điều đã nói.
309. Con sẽ tiến đến bước thứ bảy và con vượt qua cửa tri thức cuối cùng, nhưng chỉ là để lãnh lấy sự đau khổ mà thôi, nếu con muốn thành Tathàgata thì con hãy nối bước các đấng đã đi trước con, hãy giữ tấm lòng không ích kỷ cho đến cùng.
310. Con đã giác ngộ, hãy chọn lấy con đường của con.
311. Con hãy nhìn xem, ánh sáng dịu hiền tràn ngập trời Ðông. Ðể tỏ dấu ca ngợi trời, đất cùng hòa hợp với nhau. Và từ bốn Uy Quyền biểu hiện trổi lên một bài ca yêu thương của Lửa sáng, Nước trong, Đất thơm và Gió mạnh.
312. Con hãy nghe ! Từ trong chốn sâu thẳm vô tận của ánh kim quang bao bọc vị Chiến Thắng, tiếng không lời của Vạn Vật trổi lên trăm ngàn điệu để tung hô.
313. Hãy vui mừng lên, hỡi người trong cõi Myalba (35).
314. Một vị hành hương đã từ bỉ ngạn trở về.
315. Một vị La Hán (36) mới sanh.
316. Vạn Vật thái bình (37).
Ghi chú:
1) Upadhya là Sư Phụ, là Guru.
2) Yana là cỗ xe, như thế Mahàyàna là cỗ xe lớn và Hìnayàna, là cỗ xe nhỏ tên của hai môn phái tôn giáo và triết học của Phật giáo phương Bắc.
3) Thinh văn, kẻ nghe.
4) Samtan cũng giống tiếng Sanskrit Dhyàna hay là trạng thái thiền định có bốn bậc.
5) Paramitàs: Lục độ, sáu đức hạnh, đối với các vị tu sĩ thì có mười hạnh.
6) Srotapatti theo tự nghĩa là “kẻ vào trong giòng nước”, “nhập lưu” chảy đến Niết Bàn. Ðó là tên của con đường thứ nhất. Con đường thứ nhì tên là Sakridagamin “kẻ chỉ còn luân hồi một kiếp nữa thôi”. Con đường thứ ba gọi là Anàgàmin “kẻ không còn luân hồi nữa” trừ phi người muốn luân hồi để giúp đời. Con đường thứ tư là con đường của vị La Hán. Ðó là con đường cao nhất. Vị La Hán thấy Niết Bàn trong kiếp hiện tại. Ðối với Ngài trong khi thiền định Tam Muội (Samadhi) Ngài biết tất cả ân huệ cõi Niết Bàn chớ không phải sau khi chết.
7) Đối với tín đồ Phật giáo phương Bắc “đến bờ bên kia” có nghĩa là đạt được Niết Bàn bằng cách hành sáu và mười hạnh Pàramitas.
8) Hồn mẹ là Alaya, hồn Vũ Trụ hay là Atman, mỗi người đều có nơi mình một tia của nó và có thể đồng hóa mình với tia đó, nhập vào tia đó.
9) Anthakarana là hạ trí, con đường giao thông giữa phàm nhân và Thượng Trí hay Linh Hồn con người. Khi chết, đường giao thông này bị tiêu hủy và phần còn lại sống trong Kamarupa – cái vỏ.
10) Phật giáo đồ phương Bắc và thực ra tất cả người Trung Hoa đều cho là tiếng gầm thét của một vài sông thánh biểu lộ chủ âm của Thiên Nhiên. Vì đó mới có sự so sánh trên đây. Một điều được công nhận trong vật lý học cũng như trong huyền bí học là hợp thành lực của các tiếng tăm thiên nhiên theo như tai người ta nghe được, trong tiếng chảy ầm ầm của các đại giang, trong tiếng gió thổi đu đưa các ngọn cây trong rừng, hoặc tiếng tăm của một đô thị ở xa, hợp thành một thanh âm duy nhất và có một âm điệu riêng. Ðiều này được các nhà vật lý học và các nhạc sĩ chứng minh. Như giáo sư Rice (nhạc Trung Hoa) chỉ rõ người Trung Hoa đã nhìn nhận điều này cả ngàn năm trước khi họ nói “nước của Hoàng Hà chảy nghe có giọng Kung” gọi là “đại cung” trong nhạc Trung Hoa, và ông chỉ rõ cung này tương xứng với cung Fa, “được khoa Vật lý học kim thời xem như là chủ âm của thiên nhiên hiện giờ”. Giáo sư B. Silliman cũng có nói trong cuốn “Nguyên tắc vật lý” của ông “cung này là Fa trung bình của dương cầm mà người ta có thể xem là chủ âm của Tạo Vật”.
11) Những Bhons hay là Dugpas, phái “Mũ Ðỏ” được xem như là rất giỏi về tà thuật. Họ ở miền Tây Tây Tạng, Tiểu Tây Tạng và Bhutan. Tất cả đều là Tantrikas. Một điều rất buồn cười là những nhà Ðông phương học đã có viếng miền biên giới xứ Tây Tạng như Schlagintweit và nhiều kẻ khác đã lầm lộn những nghi lễ và những cách hành đạo gớm ghiếc của những kẻ nói trên đây với tín ngưỡng của các vị Lạt Ma đông phương, các vị “Mũ Vàng” và các valjors của các Ngài. Câu kế đây là một thí dụ.
12) Dorje, tiếng Sanskrit là Vajra là một bửu pháp trong tay của một số kiết thần (Dragshed của Tây Tạng, các Devas che chở loài người) có pháp khu trừ những ảnh hưởng xấu cùng tà khí cũng như chất Ozone trong hóa học. Ðó cũng là một Mudrà, một tư thế (cách ngồi) để tham thiền. Tóm lại, tư thế hay phù phép đó là một biểu tượng của pháp lực đối với ảnh hưởng xấu vô hình. Tuy nhiên các Bhons hay Dugpas chiếm đoạt biểu tượng đó đem dùng về tà thuật. Ðối với phái “Mũ Vàng” hay là Gelugpas thì đó là một biểu tượng thần oai cũng như Thánh giá đối với tín đồ Cơ Ðốc và không có gì là “mê tín” cả. Ðối với phái Dugpas thì cũng như hai hình tam giác ngược là dấu hiệu của tà thuật.
13) Viràga là tính lãnh đạm tuyệt đối, đối với Vũ Trụ khách quan, đối với sự vui và sự khổ. Tiếng “chán” không đúng nghĩa nhưng cũng gần gần như thế.
14) Ahamkara, cái Tôi hay là sự cảm biết về cái Tôi, cái bản ngã.
15) “Kẻ đi theo dấu những người trước của mình” hay là “những người đã đến trước mình” đó là nghĩa đúng của chữ Tathàgata (Như Lai).
16) Samvritti là một trong hai Chân lý thuyết minh tính chất ảo mộng và trống rỗng của mọi vật. Ðó là một chân lý tương đối. Phái Mahàyàna giảng dạy sự khác nhau giữa hai chân lý đó. Paramarthasatya và Samvrittisatya (Satya nghĩa là Chân lý). Ðó là chỗ tranh chấp giữa phái Madhyamikas và phái Yogacharyas, phái thứ nhất phủ nhận và phái thứ nhì xác nhận rằng mọi vật có ra là do một nguyên nhân đã có trước nữa tạo ra hay là do sự tiếp nối. Phái Madhyamikas là phái vô thần cho rằng tất cả đều là Parikalpita một ảo mộng và lầm lạc trong tâm giới cũng như ngoại giới. Phái Yogacharya là phái duy tâm. Thế thì Samvritti về mặt chân lý tương đối là nguồn gốc của mọi ảo mộng.
17) Lhamayin là bọn ngũ hành và yêu quỉ thù nghịch với loài người.
18) Jnàna Màrga là “con đường Jnàna” hay là con đường tri thức thuần túy của Paramartha hay là (theo Sanskrit) Svasamvedanà “sự tự suy xét hay tự phân tích”.
19) Xem giải thích số 4 phần 2. “Linh Hồn Kim Cương” hay là Vajradhara chủ trị trên Dhyàni Buddhas.
20) Ðây ám chỉ sự tin tưởng rằng mỗi khi có thêm được một vị Phật hoặc Thánh mới chứng quả tức là thêm được một chiến sĩ trong quân đội của những kẻ làm việc để giải thoát hay là cứu rỗi nhân loại. Trong những xứ Phật giáo phương Bắc có giảng dạy giáo lý về Nirmanakàyas – Những vị Bồ Tát khước từ chân phúc Niết Bàn mà các Ngài có quyền hưởng hoặc không khoác áo Dharmakàya (vì hai lối đó làm cho các Ngài đoạn tuyệt với nhân thế) để giúp đỡ nhân loại trong chốn vô hình và cuối cùng đưa nhân loại đến Ðại Niết Bàn. Mỗi vị Bồ Tát mới hoặc mỗi vị được điểm đạo cao cấp mới được gọi là “kẻ giải thoát nhân loại”.
21) Ám chỉ những sự ham muốn và tội lỗi của con người bị diệt trừ trong những cuộc thử lòng của vị đệ tử và hóa thành miếng đất tốt cho mầm giống của những đức tính siêu việt nảy nở, những đức hạnh bẩm sinh, những tài năng và thiên tư là những thứ đã hoạch đắc trong một kiếp trước. Thiên tài luôn luôn là một tài năng của một kiếp trước đem lại.
22) Titikshà là trạng thái thứ năm trong Raja Yoga – một trạng thái lãnh đạm tuyệt đối, phục tùng nếu cần, đối với cái mà người ta gọi là “vui và khổ cho tất cả” nhưng cũng không lấy sự phục tùng đó làm vui hoặc buồn, nói tóm lại là một trạng thái mà người ta trở nên vô tình và vô cảm đối với vui cũng như đối với khổ về cả ba mặt xác, trí và tâm.
23) Sowani là người thực hành Sowan, con đường thứ nhất trong Dhyàna, một Srotapatti.
24) Chữ “Ngày” đây có nghĩa là trọn một Manvantara, một kỳ gian lâu vô số.
25) Núi Mérou, núi thiêng của Chư Thiên.
26) Trong khoa tượng trưng của Phật giáo phương Bắc nơi Cực Lạc Quốc hay là “không gian vô tận” có hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Ðại Thế Chí, đời đời soi sáng khắp tam giới, dùng ánh sáng tri thức đó để khai hóa các nhà Yogi, để cho các vị này cứu độ lại người đời. Ngôi vị cao cả của hai Ngài trong Quốc độ A Di Đà là do nơi công đức phổ độ mà hai Ngài đã tạo khi còn làm nhà Yogi ở trần thế.
27) Tam giới là cõi phàm trần, cõi trung giới và thượng giới.
28) “Bức tượng bảo vệ” tiên thánh dạy rằng những gắng công chồng chất của các bậc Thánh, Tiên từ đời này sang đời khác nhất là của những vị Nirmànakàyas tạo ra một bức tường bảo vệ chung quanh nhân loại, che chở một cách vô hình cho loài người khỏi những tai nạn gớm ghê hơn nữa.
29) Klesha, là thích sự khoái lạc ở đời, tốt hay xấu.
30) Tanhà, lòng ham sống gây ra sự luân hồi.
31) Không nên hiểu chữ từ bi này theo nghĩa “lòng thương của Thượng Ðế” của các nhà theo thuyết hữu thần, ở đây từ bi là một luật trừu tượng và vô ngã, bản chất của nó là sự Ðiều Hòa tuyệt đối, bị sự bất hòa, đau khổ và tội lỗi làm cho rối rắm.
32) Theo ngữ pháp của Phật giáo Bắc tôn, tất cả các vị Ðại La Hán và các bực Tiên, Thánh đều được gọi là Phật.
33) Theo ngôi vị Thiên đình thì vị Bồ Tát kém hơn vị “Phật trọn lành”. Theo cách nói công khai thì người ta hay lẫn lộn hai bực đó làm một. Tuy nhiên, tri giác thiên phú và chính lý của quần chúng đã có ý tôn kính vị Bồ Tát hơn vị Phật do sự hy sinh của vị Bồ Tát.
34) Cũng do lòng tôn kính đó mà quần chúng gọi là “Phật Từ Bi” những vị Bồ Tát khi đạt đến quả vị La Hán (nghĩa là đã đi hết con đường thứ tư hay là thứ bảy) không chịu nhập Niết Bàn hay là lãnh áo Dharmakàya và sang bờ bên kia, vì làm như thế thì các Ngài không thể nào giúp đỡ nhân loại được nữa. Các Ngài thích ở trong cảnh vô hình của thế giới và giúp vào sự cứu vớt nhân loại bằng cách cảm hóa con người để dìu dắt con người theo Luật Trời, theo Ðường Chánh Lý. Trong Phật giáo công truyền phương Bắc có lệ tôn sùng những bậc đó như Thánh và đọc kinh cầu nguyện các Ngài cũng như người Hy Lạp và tín đồ Cơ Ðốc giáo đối với các Thánh hộ mạng của họ vậy. Nhưng những giáo lý bí truyền không khuyến khích hành động như thế. Có một sự khác biệt nhau rất xa giữa hai giáo huấn. Cư sĩ theo giáo lý công truyền biết rất ít về nghĩa thật của chữ Nirmànakàya vì đó mới có sự lầm lộn và những sự cắt nghĩa thiếu sót của các nhà Ðông phương học, thí dụ Schlagintweit tưởng rằng Nirmànakàya có nghĩa là nhục thân của các Đức Phật khi mấy Ngài đầu thai xuống thế (xem quyển Buddhism in Tibet) và do đó sanh ra một kiến thức hoàn toàn sai lầm về vấn đề đó. Tuy nhiên giáo lý chân truyền như thế này:
Ba thân hay là hình thể mà bực Tiên, Phật có thể chọn lựa gọi là:
- Nirmànakàya.
- Sambhogakàya.
- Dharmakàya.
Cái thứ nhất là hình thể tinh vi mà người sẽ dùng khi bỏ xác thân, khi người hiện thân trong cái vía và đồng thời có tri thức đầy đủ của một vị Chơn Tiên. Vị Bồ Tát phát triển cái thể đó nơi người trong khi người tiến bước trên đường Ðạo. Khi đã đạt mục đích, người khước từ kết quả và ở lại thế gian làm một vị Chơn Tiên. Và đến khi người bỏ xác trần thay vì nhập Niết Bàn, người ở trong cái thân vinh diệu mà người đã tạo, người đời không nhìn thấy được, để trông nom và che chở cho nhân loại. Sambhogakàya cũng giống như thế nhưng có thêm ba sự hoàn thiện nữa, một trong sự hoàn thiện này là hoàn toàn tiêu ma mọi sự liên hệ với đời.
Dharmakàya là thân của vị Phật nghĩa là không có thân mà chỉ là một linh khí : Ý thức nhập trong Ý thức Vũ Trụ hay là Linh Hồn trống rỗng không còn biểu hiện gì cả. Khi đã nhận lấy Dharmakàya, vị Chơn Tiên hoặc Phật đoạn tuyệt mọi quan hệ cho đến mọi tư tưởng về trần thế. Vì đó muốn có thể giúp đỡ nhân loại, một vị Chơn Tiên được quyền hưởng Niết Bàn, “khước từ thân Dharmakàya” theo cách nói huyền bí chỉ giữ tri thức đầy đủ của Sambhogakàya và ở trong thân Nirmanakàya. Trường Bí Truyền dạy rằng: Phật Gô ta ma và nhiều đệ tử La Hán của Ngài thuộc về hạng Nirmànakàya này và do sự đại hy sinh cho nhân loại, trên Ngài không còn có ai nữa.
35) Myalba (Ta Bà) là quả đất của chúng ta, gọi một cách rất đúng là một “địa ngục” và theo trường bí giáo thì là cái địa ngục to hơn tất cả các địa ngục. Giáo lý bí truyền không biết địa ngục hay là nơi hình phạt nào khác hơn là những hành tinh hay là địa cầu có loài người ở. Avitchi là một trạng thái chớ không phải một trường sở.
36) Nghĩa là một vị Cứu Thế đã sanh ra đời và sẽ dìu dắt loài người đến Niết Bàn cuối cùng khi đã liễu kết cuộc tuần hoàn sinh hóa.
37) Ðây là một thể thức của các công thức để sau chót tất cả những kinh luận, cầu đảo hoặc huấn thị ,“Vạn Vật Thái Bình”, “Phước lành cho tất cả sinh vật”.