Tác giả ALICE A. BAILEY
ALICE ANN BAILEY nhũ danh là ALICE Latrobe Boteman, sinh ngày 16-6-1880 tại Manchester Anh Quốc, con một kỹ nghệ gia, chủ nhân một trong những xí nghiệp to lớn nhất tại Anh, thuộc dòng quí phái có tước vị của triều đình Anh.
Bà sinh trưởng trong một gia đình Thiên-chúa giáo với những quan niệm chính thống, cổ hủ, hẹp hòi.
Gặp gỡ Chân Sư –
Một biến chuyển quan trọng xảy đến trong đời bà vào ngày 30-6-1895 khi bà mới 15 tuổi. Đó là việc tiếp xúc với Chân Sư K.H., một kinh nghiệm độc đáo mà bà không bao giờ quên.
Bà đang bị băn khoăn, thắc mắc về những mâu thuẫn của tôn giáo, một đàng là sự cao quý của nghi thức lễ bái trong giáo đường, một đàng là các tín điều chật hẹp gò bó của Gia Tô giáo. Theo quan niệm thời ấy, thế gian chia làm hai thành phần: Những người nào tin rằng Chúa Jesus chịu pháp nạn trên Thành giá đã lấy máu mình để cứu chuộc tội lỗi của thế gian và những người chịu phép phép rửa tội vào đạo sẽ lên Thiên đàng, còn những người ngoại đạo không tin tưởng sẽ phải xuống hỏa ngục đời đời, kiếp kiếp.
Một đàng là người Gia Tô giáo cố gắng cứu rỗi linh hồn của kẻ khác và một đàng là những người ngoại đạo tôn thờ hình tượng bằng gỗ đá. Họ không hề nhận thấy rằng Đức Phật cũng được tôn thờ bằng hình tượng, và các tượng Phật cũng chẳng khác gì những hình tượng Chúa Jesus trong các nhà thờ. Bà hoang mang, thắc mắc vô cùng, chẳng khác nào đi trong đám mây mù, không biết đâu là ánh sáng.
Trong cơn khủng hoảng tâm linh đó, một trong các chân Sư minh triết đã xuất hiện trước bà. Đây là lời bà thuật lại trong quyển “Tự thuật” (An unfinished Autobiography):
“Một buổi sáng chúa nhật, cả nhà đều đi lễ nhà thờ, chỉ có một mình tôi ở nhà. Tôi đang ngồi đọc sách trong phòng khách, thình lình cánh cửa mở và một người lạ mặt bước vào. Đó là một người Đông Phương, tầm vóc cao lớn, mặc bộ Âu phục cắt rất khéo, đúng thời trang và có bịt khăn trên đầu. Người ấy ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì không biết người là ai và đâm ra sợ sệt đến nổi tôi không thốt lên được một lời nào, hoặc hỏi người đến có việc gì. Kế đó, người ấy bắt đầu nói chuyện. Người ấy nói với tôi rằng: Có một công việc do Thiên cơ dự định mà tôi có thể làm cho thế gian, nhưng tôi cần thay đổi tâm tình tính chất của tôi rất nhiều trước khi bắt tay vào việc. Tôi phải tập lấy đức tự chủ đến một mức độ nào đó để có thể trở nên hữu dụng cho Ngài và cho thế giới trong tương lai. Nếu được như vậy, tôi sẽ được giao phó một sứ mạng với sự tin cậy của Ngài và sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới để làm công việc của Ngài …
Kể từ đó về sau, những lời này luôn luôn văng vẳng bên tai tôi. Ngài nhấn mạnh rằng vấn đề này tùy nơi tôi được tự do quyết định và nói thêm rằng Ngài sẽ tiếp xúc với tôi từng kỳ hạn cách khoảng độ vài năm một lần …
Cuộc gặp gỡ đó rất ngắn. Tôi không biết nói gì mà chỉ ngồi nghe Ngài với một giọng rất cả quyết và dõng dạc, khi đã nói xong những điều cần thiết, Ngài đứng dậy bước ra, đi tới ngưỡng cửa còn quay đầu lại nhìn tôi trong một phút với một cái nhìn linh động mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng.
Lúc ấy, bà còn hoang mang và không hiểu gì cả, với thời gian qua, bà nhận thấy rằng, cứ cách khoảng 7 năm một lần, bà lại có chứng nghiệm về sự săn sóc và che chở của Ngài. Năm 1915 khi được 35 tuổi, bà mới khám phá ra Ngài là ai và thấy rằng có nhiều người khác cũng được biết Ngài. Kể từ đó về sau, sự liên hệ của bà với Chân Sư trở nên ngày càng mật thiết hơn và sau cùng có thể tiếp xúc với Ngài bất cứ lúc nào tùy ý.
Sự tiếp xúc này là một ân huệ đặc biệt mà Chân Sư chỉ ban cho người đệ tử khi người này đừng lạm dụng cơ hội để quấy rầy Ngài vì những việc lặt vặt và có tính cách ích kỷ cá nhân, trừ phi trong những trường hợp khẩn thiết để phụng sự nhân loại. Bà được biết Ngài là Chân Sư K.H. một vị Chân Sư hợp tác rất chặt chẽ và thân cận với Đức Chưởng Giáo, thuộc về cung Minh Triết và Bác Ái, chăm lo về việc giáo hóa, dạy dỗ nhân loại trên địa hạt Tôn giáo và Giáo dục.
Bà đã bắt đầu phụng sự Ngài từ lúc bà 15 tuổi và về sau bà trở nên một đệ tử cao cấp trong nhóm đệ tử của Ngài.
Trên thế gian này có rất nhiều đệ tử huyền môn, ngày nay đã đến lúc mà các vị đệ tử không cần phải che dấu địa vị của mình như trước nữa, mà phải xuất đầu lộ diện để chứng minh sự hiện diện của các Chân Sư cùng công việc của các Ngài để giúp đỡ sự tiến hóa của nhân loại. Đó là một sự chứng minh chánh đáng bằng đời sống gương mẫu của các vị đệ tử huyền môn.
GIAI ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH –
Năm 22 tuổi, nhờ có sự huấn luyện đầy đủ về giáo lý Gia tô ở nhà trường từ nhỏ, bà ra làm việc xã hội trong Hiệp hội Phụ nữ Công giáo Anh Quốc (YVVCA). Bà làm công việc thuyết giảng giáo lý, cố gắng cứu rỗi những linh hồn lạc lõng và đem họ vào Tôn Giáo. Tuy nhiên bà vẫn cảm thấy một sự xung đột trong nội tâm vì những tín điều gò bó chật hẹp của Tôn Giáo, điều này không làm cho bà được thỏa mãn lý trí và tâm linh. Bà vẫn luôn luôn đặt những câu hỏi về địa hạt thần bí, siêu hình mà chưa ai có thể giải đáp thỏa đáng.
Giai đoạn kế đó, bà nhận lãnh chức vụ Nữ trợ tá Xã hội và Tuyên Úy trong quân đội. Ở Anh Quốc, Cơ quan Tuyên Úy do tư nhân đảm trách, dưới sự bảo trợ của Chánh Phủ. Đó là một Cơ quan cư xá của binh sĩ do một nhà từ thiện là bà Elise Sandes sáng lập, dùng toàn nữ nhân viên trợ giúp.
Bà Sandes đã dành trọn cuộc đời vào công tác xã hội này để cải thiện đời sống binh sĩ. Bà quản trị những cư xá này theo đường lối khác hẳn với những cơ quan Tuyên úy trong quân đội. Cơ quan Tuyên úy của bà có nhiều chi nhánh ở IRLANDE và ở Ấn Độ.
Trước hết, bà Alice Latrobe Boteman làm việc tại cư xá Belfast. Công việc của một nữ Tuyên úy là tiếp xúc với các binh sĩ lưu trú tại cư xá. Trong những giờ nghỉ ngơi, tiêu khiển sau bữa cơm chiều, các binh sĩ thường tụ họp ở các phòng công cộng để viết thư về nhà, đọc báo chí sách vở, hoặc đánh cờ và chơi các trò giải trí. Các nữ Tuyên úy có nhiệm vụ hỏi han săn sóc họ nếu họ cảm thấy cô đơn, chán nản hoặc nhớ nhà. Thường thì có hai nữ Tuyên úy giúp việc trong mỗi cư xá và các cô đều có nơi trú ngụ riêng biệt. Trong cư xá có một phòng giảng kinh Phúc âm, có dương cầm, Thánh kinh, các nữ Tuyên úy thay phiên nhau giảng Thánh kinh Phúc âm để cứu rỗi linh hồn các binh sĩ.
Ngoài việc giảng kinh các cô còn có một phận sự làm quen với các binh sĩ, nói chuyện, đánh cờ với họ, hoặc viết thư cho các binh sĩ với một thái độ cởi mở, vô tư đối với mọi người, và đồng thời gây cho họ cái cảm giác là mình săn sóc, lưu tâm và muốn giúp đỡ họ để nâng đỡ tinh thần binh sĩ cho khỏi cô đơn, lạc lõng khi sống xa gia đình.
Một ngày nọ, bà Elise Sandes, Giám đốc Cơ quan Tuyên úy nhận được một bức thư cho hay vị Trưởng chi nhánh cơ quan Tuyên úy ở Ấn Độ là bà Theodora bị đau yếu cần phải về xứ để dưỡng bệnh. Bà đang lo âu vì không tìm được người thay thế. Rốt cuộc, bà Giám đốc mới nói với Alice: “Lúc này cơ quan đang thiếu hụt phương tiện tài chính, chớ nếu đủ tiền tôi sẽ gởi em sang Ấn Độ”. Hồi đó tiền tàu sang Ấn Độ rất mắc, vã lại bà Giám đốc còn phải trả tiền tàu cho bà Theodora về xứ.
Với phản ứng tự nhiên, bà Alice nói: “Nếu Thượng Đế muốn cho em qua đó thì Ngài sẽ gởi tiền”.
Vài ngày sau trong giờ ăn điểm tâm, bà Giám đốc mở một bức thư mới nhận được, bà thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên và đưa cho bà Alice xem. Trong thư chỉ có một ngân phiếu 500 Anh kim với dòng chữ: “ĐỂ LÀM VIỆC BÊN ẤN ĐỘ”, ngoài ra không có thư từ gì cả, cũng không có đề tên người gởi ở ngoài bao thư. Cả hai bà đều không biết số tiền đó do đâu gửi đến và phải chấp nhận nó như một ân huệ trực tiếp của Thượng Đế. Bà Alice tự hỏi, phải chăng đó là tiền của Chân Sư gửi cho bà. Vì bà cần phải sang Ấn Độ để thâu thập ít nhiều kinh nghiệm và xây dựng nền tảng cho công việc mà Chân Sư đã nói với bà trước đó nhiều năm rằng bà có thể làm cho Thiên Cơ và cho Ngài. Tuy nghĩ như vậy, nhưng về sau bà cũng không hề hỏi Chân Sư về việc đó nữa, vì bà cho rằng đó không phải là điều quan trọng.
Sau 4 năm làm nữ Tuyên úy Công giáo tại Ấn Độ, vì khí hậu nóng nực, vì công việc bề bộn, và trách nhiệm quá nặng nề, sức khỏe bà suy kém, bà đau nặng phải vào nằm bệnh viện. Ngoài ra bà còn bị sự căng thẳng thần kinh và xúc động tâm lý dày vò. Đây là lời bà thuật lại: “Một đêm nọ tại LUCKINOW khí trời oi bức, tôi không sao ngủ được. Tôi đi tới lui trong phòng, nhưng không thấy mát hơn, lại còn bị đàn muỗi quấy rầy. Tôi trở vào phòng và đứng trước tủ kiếng một phút. Thình lình trong phòng có hào quang sáng rực và tôi nghe giọng nói của vị Chân Sư đã đến với tôi hồi tôi 15 tuổi. Lần này tôi không nhìn thấy Ngài, tôi chỉ đứng ngay giữa phòng và nghe giọng nói của Ngài. Ngài trấn an tinh thần tôi và khuyên tôi đừng quá lo âu thắc mắc. Ngài nói rằng tôi đang được đặt dưới sự săn sóc che chở của Ngài và tôi đang làm những gì Ngài muốn. Ngài nói với tôi rằng mọi việc đang được trù liệu và công việc mà Ngài định giao phó cho tôi trước đây cũng sắp bắt đầu nhưng theo một đường lối mà tôi sẽ không nhận ra. Ngài dặn tôi hãy chuẩn bị để thi hành sứ mạng …”
GIAI ĐOẠN THÀNH HÔN: 27 đến 35 tuổi
Vì làm việc quá sức, bà bị thần kinh suy nhược phải về xứ dưỡng bệnh. Kế đó là giai đoạn thành hôn khi bà 27 tuổi. Chồng bà là ông Walter Evan, một vị mục sư Tin Lành, nhưng cuộc hôn nhân này bị thất bại một cách bi đát sau khi bà sanh được ba đứa con gái. Chồng bà lúc đầu vẫn bình thường nhưng về sau đâm ra nóng nảy, vũ phu, cộc cằn. Gia đình đã xảy ra nhiều cơn sóng gió với những sự bất đồng xung đột ý kiến. Trong một cơn nóng giận, chồng bà xô bà té xuống thang lầu khi bà đang có thai đứa con gái út, làm động đến cái thai. Bà sinh non tháng, đứa bé rất èo uột khó nuôi, tưởng là non yểu, nhưng nhờ trời, rốt cuộc nó vẫn sống và mạnh khỏe lần lần.
Kết quả là cuộc ly di xảy ra vào năm 1918 sau thế chiến thứ I chấm dứt. Nhưng trên thực tế, bà đã sống ly thân từ năm 1915 khi bà được 35 tuổi.
GIAI ĐOẠN NGHÈO TÚNG PHẢI ĐI LÀM CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG
Sau khi ly thân với chồng, bà phải sống tự túc và tìm việc làm để nuôi con. Bà xin được việc làm tại một xưởng làm cá hộp. Bà chịu trả nửa tháng lương của bà cho một người láng giềng để nhờ họ săn sóc và chăm nom giùm ba đứa con gái còn ấu thơ trong những giờ bà đi tìm việc. Mỗi ngày bà vô hộp trung bình 10.000 con cá mòi, tính ra đến hàng trăm hộp cá mỗi ngày.
Một người phụ nữ ở giai cấp quý phái mà ngày nay phải làm một việc lao động chân tay, dầu mỡ lấm lem như vậy, kể như cuộc đời bà đã xuống dốc. Khách đến viếng xưởng cá hộp của bà đã thốt ra lời bình phẩm:
– Một người đàn bà như vậy sao lại lọt vào đây.
– Bà ta có vẻ quá cao sang để làm công việc này, nhưng không biết cao sang thật không?
– Cái ngữ này chắc là có làm chuyện gì không hay ở ngoài đời, sống hết nổi với thiên hạ rồi mới lọt vào đây chớ gì.
– Đừng thấy hình dáng bề ngoài mà lầm. Coi chừng mắc phải quả trứng thối.
Những lời bình phẩm có tính cách thóa mạ đó làm cho bà run lên vì tức giận. Nhưng một người cai xưởng đứng gần bên nghe rõ đầu đuôi, khi thấy đã đi xa, bước tới gần để an ủi bà:
– Bà đừng buồn hởi bà Evans, ở đây chúng tôi đều gọi bà là một viên ngọc quý rớt xuống vũng bùn.
Lời nói đầy thiện cảm này đã bù lại rất nhiều sự thóa mạ của những người kia. Nó tỏ cho bà thấy rằng tựu trung bản tánh nhân loại vẫn tốt lành như bà vẫn thường tin tưởng với một niềm tin vững chắc tuyệt đối.
TIẾP XÚC VỚI GIÁO LÝ HUYỀN MÔN
Ở gần nhà có hai phụ nữ người Anh, cùng ở giai cấp quý phái như bà. Hai bà này có tổ chức tại nhà họ một cuộc hội họp phòng khách hằng tuần để nghe giảng về một môn học huyền bí gọi là Giáo lý Huyền Môn. Do sự giới thiệu của một người bạn, bà có dịp tiếp xúc với giới này và bắt đầu học hỏi Giáo lý Huyền Môn từ đó. Hai bà bạn mới sẵn lòng chỉ dẫn cho bà những giáo lý căn bản và cho bà mượn sách, vở, tài liệu đem về nhà.
Chuỗi ngày của bà từ đó trở nên rất bận rộn và rất dài: 4 giờ sáng thức dậy, quét nhà, dọn bữa ăn sáng cho ba đứa con vào lúc 6 giờ. Lúc 6g30 giao con cho người láng giềng coi sóc, rồi đi làm tại xưởng cá hộp. Ăn trưa và nghỉ trưa tại xưởng hết 1 giờ. Xong lại làm việc đến 4 giờ chiều mới về nhà. Những buổi chiều mùa đông mưa gió, tuyết lạnh, bà ở nhà chơi với con. Mùa hè nóng nực, bà đưa chúng ra bờ bể. Đến 7 giờ mới về nhà, ăn cơm tối xong cho chúng đi ngủ. Bà giặt giũ quần áo, lên giường chong đèn ngồi đọc sách đến nửa đêm mới ngủ.
Do bản chất tự nhiên, bà chỉ cần ngủ rất ít, bác sĩ nói mỗi đêm, bà chỉ ngủ có 4 giờ và bà cảm thấy rất đúng. Nhịp độ sinh hoạt hàng ngày của bà vẫn tiếp diễn y như trên, nhờ đó bà có thể làm việc rất nhiều.
Giai đoạn kế đó, bà gia nhập Hội Thông Thiên Học và hoạt động giúp Hội rất đắc lực trong các công việc quản trị và truyền bá giáo lý. Bà cũng làm những công tác điều khiển các buổi học Giáo lý Huyền Môn và thuyết pháp trên diễn đàn công cộng v.v…
GẶP GỠ ÔNG FOSTER BAILEY VÀ TIẾP XÚC VỚI CHÂN SƯ TÂY TẠNG (DJWAL KUL)
Năm 1919, bà gặp ông Foster Bailey tại Krotona, trụ sở hội T.T.H tại California.
Ông Bailey hành nghề luật sư có nhiều thân chủ và sự nghiệp rất phát đạt. Trong trận thế chiến 1914-1918, ông tòng chinh ở mặt trận Tây Âu với chức vụ huấn luyện phi công trinh sát. Lúc chiến tranh sắp kết liễu, ông bị tai nạn phi cơ, bị thương nặng và giải ngũ. Sau một thời gian dưỡng bệnh và phục hồi sức khỏe, ông định tiếp tục ở lại hành nghề luật sư. Nhưng từ khi gặp bà và nhận thức sứ mạng cao cả của bà đối với Thiên Cơ, ông liền từ bỏ mọi việc để cùng bà hợp tác trong công việc phụng sự. Kế đó, ông bà đính hôn với nhau một thời gian trước khi làm hôn lễ chính thức. Cuộc hôn nhân này rất tương đắc, kéo dài đến 26 năm cho đến khi bà mất.
Tháng 11-1919, bà tiếp xúc lần đầu tiên với Đức DJWAL KUL trong một dịp khá ly kỳ. Bà tường thuật cuộc tiếp xúc đó như sau:
Sáng hôm đó bà đưa con đi học, xong xuôi có vài phút rảnh rang bà mới đi lên ngọn đồi ở cạnh nhà để suy tư trong giây lát. Thình lình và giựt mình và nghe dường như có một âm thanh kỳ diệu như tiếng nhạc vang lên trong không gian, xuyên qua ngọn đồi và xuyên qua người bà. Kế đó bà nghe từ trên không một giọng nói với bà rằng: Có vài quyển sách mà chúng tôi thấy cần được viết ra cho người thế gian. Bà có thể làm được việc này. Bà có chịu nhận làm công việc đó không?
Bà không chút do dự, nói ngay: “Chắc là không. Tôi không phải là đồng cốt và tôi không muốn dính líu gì với việc đó.”
Bà cũng giựt mình mà thấy mình bỗng nhiên nói lớn tiếng. Giọng nói kia tiếp theo rằng người khôn ngoan không bao giờ xét đoán vội vàng, rằng do bản chất tự nhiên, bà có khả năng lạ lùng về môn thần giao cách cảm thuộc loại siêu đẳng, công việc mà bà được giao phó không có chút gì thuộc về chuyện đồng cốt, quàng xiên. Bà trả lời rằng bà không cần, vì bà không thích làm việc gì có tính cách Thần Linh. Người khuất mặt khi đó mới nói rằng bà cần có thời giờ suy nghĩ trước khi quyết định, và người không chấp nhận sự trả lời của bà hôm đó. Người sẽ gặp lại bà sau ba tuần lễ và hy vọng bà sẽ đổi ý.
Bà trở về nhà và hoàn toàn quên hẳn việc đó, cũng không nói cho ông Bailey nghe câu chuyện xảy ra. Sau 3 tuần lễ, giọng nói ấy lại trở lại khi bà đang ngồi nơi phòng khách vào lúc chiều tối sau khi mấy đứa con bà đã đi ngủ. Giọng nói ấy nhắc lại việc hôm trước. Lần này bà có ý tò mò tuy rằng không bị thuyết phục. Bà định làm việc ấy trong vài tuần hay một tháng thử xem, rồi mới quyết định. Chính trong vài tuần này mà bà viết những Chương đầu của quyển “ĐIỂM ĐẠO HUYỀN MÔN” (Initiation: Human and Solar) qua sự tiếp xúc với Chân Sư bằng Thần giao cách cảm.
Sau khi viết sách gần một tháng cho Chân Sư Tây Tạng, bà đâm hoảng sợ và ngưng mọi công việc. Bà thưa với Chân Sư (bằng Thần giao cách cảm) rằng: bà còn phải nuôi ba đứa con gái, nếu vì làm công việc này bà bị đau yếu hay phát điên (như nhiều người đồng cốt đã bị) thì con bà không ai nuôi dưỡng, nên bà không dám mạo hiểm tiếp tục công việc. Chân Sư D.K. chấp nhận quyết định này nhưng yêu cầu bà hãy tiếp xúc với Sư Phụ bà là Chân Sư K.H. và trình bày mọi việc với Ngà. Sau khi suy nghĩ cẩn thận độ một tuần lễ, bà mới quyết định tiếp xúc với Chân Sư K.H. bằng một phương pháp riêng mà Ngài đã dạy bà trước đây. Trong cuộc tiếp xúc đó, Ngài dạy rằng công việc bà đang làm không có gì nguy hiểm về thể chất hay tinh thần, và đó là một cơ hội phụng sự rất quý báu. Ngài cũng cho biết rằng chính Ngài cũng đề nghị với Chân Sư D.K hãy đến tìm bà để nhờ bà trợ giúp trong công việc này. Khi đó bà mới tuân lệnh Sư Phụ và trở về tiếp tục công việc viết sách cho Chân Sư D.K.
Việc viết sách này được thực hiện bằng hai phương pháp. Trong giai đoạn đầu bà ngồi viết vào những giờ nhất định và nghe giọng nói của Chân Sư đọc cho bà viết từng chữ, từng câu rõ ràng như viết ám tả. Phương pháp đó có thể coi như phương pháp dùng thần nhĩ (clair-audience) do âm thanh vang dội trong lỗ tai.
Về sau khi đã có sự hòa hợp tâm linh giữa Chân Sư với bà, thì phương pháp trên không cần thiết nữa. Bà chỉ cần tập trung tư tưởng và bắt được dòng tư tưởng của Chân Sư do Ngài gieo vào tâm trí bà bằng đường lối thần giao cách cảm (Telepathy).
Nội dung các quyển sách này gồm tất cả phần giáo lý đều là lời dạy của Đức D.K. Còn bà Alice chỉ là người ghi chép lại và sửa đổi vài chỗ về phần hình thức, về văn phạm và bút pháp cho hợp với các trình bày mới mẽ tân tiến thôi. Còn về phần ý nghĩa, nội dung thì bà hoàn toàn không hề thêm bớt hay sửa đổi một chữ nào dầu rằng có nhiều đoạn bà không đồng ý, hoặc không hiểu rõ. Như thế, tuy bà đứng tên là tác giả quyển sách này, nhưng thật ra thì tác giả chính là Đức DJWAL KUL. Kể từ đó về sau, suốt 27 năm bà tiếp tục làm công việc này và viết thêm nhiều quyển khác nữa như: “ĐƯỜNG ĐẠO TRONG KỶ NGUYÊN MỚI”, “LUẬN VỀ LỬA TIÊN THIÊN” (Treatise on Cosmic Fire) …
Những sách mà Đức D.K. đọc cho bà viết gồm những chân lý mới mà nhân loại cần biết trong thời đại tân tiến ngày nay. Những giáo lý mới, cùng với đường lối công phu Tu luyện và chuẩn bị cho thí sinh trở thành đệ tử cũng được trình bày cho nhân loại trong kỷ nguyên mới.
GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP TRƯỜNG NỘI MÔN BÍ GIÁO (Arcane School)
Trong những ngày đầu tiên không ai ngờ rằng công việc phổ biến và truyền bá đạo lý mà hai ông bà Bailey theo đuổi với tinh thần hiến dâng trọn vẹn cuộc đời, sẽ có thể bánh trướng đến mức đại qui mô, với nhiều chi nhánh trên thế giới được thừa nhận và ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời của nhiều trăm ngàn người. Công việc ban đầu chỉ có 2 ông bà Bailey với bạn hữu đứng ra tổ chức. Tài chánh không có và tương lai rất mịt mờ. Hai ông bà chỉ có lúc khởi công. Lúc đó nhằm cuối tháng, tiền nhà chưa trả, tiền đèn nước còn thiếu, hóa đơn thực phẩm chưa trả tiền từ tháng trước. Trong lúc quẩn bách, thiếu thốn mọi phương tiện, một đêm nọ bà cầu nguyện ơn trên trợ giúp. Sáng hôm sau, khi bước ra cửa, bà thấy trên ngưỡng cửa có 1 gói bạc đựng đủ số tiền mà bà đang cần dùng, và vài ngày sau ông Foster Bailey nhận được một bức thư của ông Ernest Suffern mời ông nhận chức Thư ký Chi bộ TTH tại NEW YORK với số lương 300$ một tháng, có nhà ở.
Do đó, hai ông bà dọn nhà về ở thành phố này và bắt đầu công việc đưa đến việc thành lập TRƯỜNG NỘI MÔN BÍ GIÁO. Trong khi đó bà vẫn tiếp tục viết những bộ sách HUYỀN MÔN dưới sự chỉ đạo của Đức D.K. và đã xuất bản được ba quyển.
Do kết quả việc xuất bản những bộ sách này mà công chúng gửi thư về tới tấp về học hỏi đạo mầu. Nhu cầu mở những lớp học bộ sách Giáo lý Bí truyền của bà Blavataky cùng những lời kêu gọi giúp đỡ về đời sống tâm linh của công chúng đòi hỏi một sự giải quyết thỏa đáng. Chính vì lý do đó mà vào tháng tư 1923, bà tổ chức việc thành lập trường NỘI MÔN BÍ GIÁO, dạy đạo cho công chúng bằng cách hàm thụ.
Bà chỉ bắt đầu với sự thiện chí, mong ước mãnh liệt được giúp đỡ, phụng sự người khác và một vốn liếng tinh thần là 3 quyển sách Đạo vừa mới xuất bản. Vậy mà kể từ đó về sau đã có trên 30.000 người nhập học. Công việc của trường NỘI MÔN BÍ GIÁO được phát triển trên quy mô quốc tế và được hầu hết các nước trên thế giới công nhận. Trong công việc vĩ đại này, bà được sự trợ giúp và hợp tác vô cùng quý báu của chồng bà, ông Foster Bailey, mà bà nói rằng, nếu không có ông, bà không thành công được.
Thật không phải là một việc dễ dàng mà điều khiển một cơ quan Nội Giáo Bí Truyền với bao nhiêu sinh hoạt phức tạp và trách nhiệm nặng nề. Bà nói, nếu không nhờ có sự trợ giúp và óc khôn ngoan sáng suốt của ông Bailey, thì có thể rằng bà đã vấp bao nhiêu lỗi lầm về mặt quản trị, tổ chức nội bộ cơ quan, cùng những sự xét đoán sai lầm về mặt nhan sự, giao tế và đối ngoài và có thể bà đã bị kẹt nặng nhiều về phương diện pháp lý. Nhờ sự thông suốt về luật pháp, sự hành động sáng suốt vô tư và thái độ bình tĩnh điềm đạm của ông Bailey, không bao giờ rối loạn trước nghịch cảnh hay biến cố bất thường, nên bà luôn luôn được gỡ rối và giải quyết mọi việc được trôi chảy êm đẹp.
Về mặt truyền bá đạo lý, trách nhiệm của bà thật nặng nề, không phải chuyện dễ dàng mà hướng dẫn các học viên về công phu thiền định. Đó là một con đường nguy hiểm, chật hẹp và bén nhọn như lưỡi dao cạo, nếu hành giả tu luyện sái phép và đi lầm đường.
Ngoài ra còn phải đảm đương trách nhiệm về sự sinh hoạt tâm linh của học viên, khi họ tình nguyện giao phó đời sống tinh thần của họ trong tay bà để được bà hướng dẫn, huấn luyện và bà phải đáp ứng thỏa đáng mọi nhu cầu tâm linh đó cho đúng với nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo tinh thần.
Trong công việc vĩ đại đó, bà được sự trợ giúp quý báu của những nhân viên cộng tác tại trụ sở chánh Cơ quan và của các cộng tác viên ở hải ngoại.
Năm 1947, ngoài trụ sở chánh ở New York với một số đông nhân viên thường trực, còn có một số chi nhánh cơ quan ở Anh, Hòa Lan, Ý và Thụy Sĩ với một nhóm gồm 140 thư ký và học viên cao cấp để hướng dẫn các học viên mới. Những vị thư ký này rải rác khắp nơi trên thế giới, và nhờ có tinh thần phụng sự vị tha vô kỷ, làm việc không lương trong nhiều năm liên tiếp mà công việc mới tiếp tục trôi chảy đến ngày nay.
Ngày nay, Cơ quan đã bành trướng rộng rãi thêm với một chi nhánh ở Nam Mỹ, Thổ Nhỉ Kỳ và Tây Phi và với những học viên rải rác ở nhiều nơi trên thế giới.
Trường Nội Môn Bí Giáo (Arcane School) vẫn tiếp tục phát triển không ngừng và trong tâm linh bà nhận thức được rằng, bà đang làm sứ mạng mà Chân Sư K.H. đã nói với bà năm 1895 khi bà mới 15 tuổi.
Chương trình học của trường mỗi lúc càng mở rộng thêm lần lần. Bà vẫn giữ cho công việc được linh động, uyển chuyển để đáp ứng với những nhu cầu của thời đại mới, của trào lưu tiến hóa.
Trường Nội Môn Bí Giáo nay đã có Cơ sở rất vững vàng gồm thêm 1 Công ty ấn loát để phổ biến các bộ sách mới về giáo lý Huyền Môn. Bắt đầu với một nhóm nhỏ vài ba người học viên thân tín, nay cơ quan của bà Alice Bailey sáng lập đã phát triển mạnh và còn dự định một kế hoạch về sinh hoạt tinh thần để phụng sự nhân loại trong tương lai.
(Nguyễn Hữu Kiệt biên soạn theo tài liệu “AN UNFINISHED AUTOBIOGRAPHY” của ALICE A. BAILEY)